Tuyên bố Hà Nội: Món quà vinh danh Việt Nam
Tại phiên bế mạc, Chủ tịch IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố thông qua Nghị quyết của Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình và an ninh thế giới;” Nghị quyết của Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại “Định hình cơ thế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện trong vấn đề nước và vệ sinh”; Nghị quyết của Ủy ban thường trực về Dân chủ, Nhân quyền “Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia: Không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền.”
Các đại biểu cũng nghe một số báo cáo khác của Ủy ban thường trực về Dân chủ, Nhân quyền; Ủy ban thường trực về các vấn đề của Liên hợp quốc; nghe báo cáo về chuyến đi thực địa đến làng UNICEF ở Hà Nội, trong đó các nghị sỹ từ 16 quốc gia đã đi thăm bốn trung tâm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Cũng tại buổi lễ, Đại hội đồng đã nghe các báo cáo về việc đề cử báo cáo viên phục vụ Đại hội đồng IPU-133 tại Geneva. Sau khi Chủ tịch IPU Saber Chowdhury trình bày những điểm chính của Tuyên bố Hà Nội, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố thông qua văn kiện chính thức của IPU-132.
Theo đó, Tuyên bố Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng ta, nghị sỹ đến từ 133 nước và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực, tề tựu tại Hà Nội, Việt Nam đã xem xét lại các mục tiêu phát triển bền vững đang nổi lên và xem xét vai trò của mình để đạt được các mục tiêu này. Đây là Tuyên bố của chúng ta.” Và "Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ, y tế, tri thức và của cải vật chất, nhưng sự chênh lệch đã tồn tại từ rất lâu về kinh tế và xã hội vẫn đang ngày càng tăng, gây tổn hại cho toàn bộ hành tinh, nhiều nước trên thế giới chưa được hưởng thành quả của sự phát triển."…
Đặc biệt, Tuyên bố tái khẳng định tầm nhìn về sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người, nhằm xóa nghèo dưới mọi hình thức, và xóa bỏ bất bình đẳng, từ đó trao quyền cho mỗi cá nhân phát huy được hết tiềm năng của họ. Điều này đòi hỏi phải có hòa bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Thay mặt Liên minh Nghị viện Thế giới, Chủ tịch Saber Chowdhury bày tỏ cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc chuẩn bị, đón tiếp Đoàn đại biểu nghị sỹ các nước về tham dự IPU-132.
“Món quà vinh danh Việt Nam chính là hành động thực thi Tuyên bố Hà Nội, cũng như các nghị quyết mà Đại hội đồng đã thông qua” - ông Saber Chowdhury nói.
Trước đó, thông báo tới các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế về kết quả phiên họp Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, chủ đề thảo luận chung của IPU-132 là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” nhận được sự nhất trí cao của tất cả Lãnh đạo nghị viện, các nghị sỹ, các khách mời của IPU-132. Các đại biểu đã đóng góp tích cực, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về chủ đề này và cho các văn kiện quan trọng khác của IPU 132.
Tất cả 4 dự thảo Nghị quyết quan trọng được thông qua. Các Ủy ban thường trực của IPU đã thông qua các Nghị quyết, gồm: Chiến tranh mạng –mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.
Về chủ đề khẩn cấp, Đại hội đồng đã chọn, thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.
Bên cạnh đó, các hoạt động bên lề IPU 132, như: Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sỹ IPU; các chương trình tham quan, biểu diễn nghệ thuật đã diễn ra tốt đẹp.
“Thành công của Đại hội đồng IPU-132 chứng tỏ sự lớn mạnh, vai trò tích cực, tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của IPU mà còn đóng góp cho việc xử lý những thách thức toàn cầu, định hình cho sự phát triển tiếp theo của nhân loại” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói và cảm ơn tình cảm và sự ủng hộ của ngài Chủ tịch IPU, các nghị sỹ, bạn bè quốc tế; cảm ơn nhân dân Hà Nội và cả nước, tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng đã đồng hành, góp phần vào thành công của IPU-132.
8/9 ý kiến của Việt Nam được ghi nhận
Trước phiên bế mạc, tại Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế, thảo luận về dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới,” các đại biểu đã thống nhất cao về sự cần thiết trong việc hoàn thiện một công ước quốc tế về mạng Internet, nhằm ngăn chặn các thế lực khủng bố có thể sử dụng internet để thực hiện tội ác của mình, đặc biệt là việc quyên góp nguồn tiền cho các hoạt động khủng bố, chiêu mộ và đầu độc cộng đồng bằng những ý tưởng bạo lực.
Đề xuất của đoàn Việt Nam về việc bổ sung nội dung chống chiến tranh mạng vào cơ chế thảo luận và kiểm soát của Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn. Dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới” đã được thông qua với sự đồng thuận cao của các thành viên.
Đoàn Việt Nam đã tham gia 9 ý kiến và 8 ý kiến đã được ghi nhận đưa vào nghị quyết, một ý kiến khác của Việt Nam được đưa vào đề xuất khác của các bạn.
Nghị quyết sau đó đã được trình Đại hội đồng thông qua với nội dung phong phú, các vấn đề được nêu lên rất nổi trội, trong đó đi vào nội dung vai trò của Quốc hội các nước liên quan đến vấn đề an ninh mạng.
Cũng trong chiều nay, tại Ủy ban Thường trực về dân chủ và nhân quyền, các thành viên đã hoàn chỉnh và thông qua Dự thảo Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.”
Đây là nghị quyết được soạn thảo từ Đại hội đồng IPU-131, do còn có ý kiến khác nhau nên chưa thông qua được, nên quyết định chuyển tới Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội để thông qua nghị quyết quan trọng này.
Dự thảo đề cập 3 nội dung quan trọng là luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Dự thảo nhấn mạnh các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và coi luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia; các quốc gia khẳng định quyền tự quyết và chống lại sự can thiệp của nước ngoài.
Dự thảo Nghị quyết khẳng định luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn lấy quyền con người làm trung tâm. Kết quả là dự thảo Nghị quyết đã được thông qua với 37 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Với tư cách là nước chủ nhà của Đại hội đồng IPU-132, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thông qua Dự thảo Nghị quyết quan trọng này.
Theo Báo Công Thương