Đến nay, Yên Bái có 26 doanh nghiệp trong và ngoài nước được tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền cấp 29 giấy phép khai thác. Những doanh nghiệp đi vào sản xuất đều áp dụng công nghệ khá tiên tiến, từ khâu bốc, xúc, vận chuyển, nổ mìn đều đã được cơ giới hóa. Doanh nghiệp khai thác, chế biến đá ốp lát đã dùng máy cắt bằng dây kim cương. Tổng công suất khai thác theo giấy phép là 2 triệu m3/năm đá ốp lát và 13,25 triệu tấn đá nghiền bột (tương ứng 6,91 triệu m3/năm).
Tổng sản lượng khai thác (năm 2013, 2014) là 52.984m3 đá block, 863.543m2 đá xẻ ốp lát, 1.192.580 tấn đá bột nghiền. Mặc dù công suất khai thác và chế biến của các doanh nghiệp còn thấp hơn nhiều so với năng lực nhưng các doanh nghiệp đã tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho 1.300 lao động. Các sản phẩm của các doanh nghiệp có mặt trong nhiều lĩnh vực chế biến như giấy, nhựa, sơn... và xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và một số nước khác.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp năm 2012 là gần 1.525 tỷ đồng, năm 2013 là trên 1.854,7 tỷ đồng; các khoản thuế và phí nộp trong năm 2013 là trên 77,8 tỷ, năm 2014 là gần 91,25 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng thu nội địa trên địa bàn Yên Bái. Đánh giá của Cục Thuế Yên Bái cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá hoa trắng đã thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế về kê khai, nộp thuế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tuân thủ pháp luật thuế vẫn còn một số hạn chế như tình trạng nợ thuế vẫn còn xảy ra ở một số doanh nghiệp; một số công ty có trụ sở chính ở các tỉnh, thành khác, được cấp phép khai thác đá hoa trắng tại địa bàn Yên Bái đã thành lập chi nhánh hoặc nhà máy khai thác hạch toán phụ thuộc, sau khi khai thác được sản phẩm đã điều chuyển về doanh nghiệp chủ quản (có trụ sở tại địa phương khác) để tiêu thụ và xuất khẩu đã áp giá điều chuyển rất thấp so với thị trường tại Yên Bái, dẫn đến việc xác định giá tính thuế tài nguyên và thuế giá trị gia tăng còn chưa đúng theo quy định của Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế giá trị gia tăng.
Đánh giá đúng vai trò của ngành nghề khai thác, chế biến đá vôi trắng đối với nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, thời gian tới, ngành Thuế Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, trọng tâm là các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, thời gian cho doanh nghiệp, phối hợp giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước theo quy định, đồng thời cũng thường xuyên kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp không chấp hành đúng các quy định của pháp luật thuế.
Ngày 20 tháng 3 vừa qua, Cục Thuế Yên Bái đã tổ chức gặp mặt với với doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực đá vôi trắng nhằm triển khai các chính sách thuế mới và lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp. Buổi gặp mặt đã thu hút được hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá vôi trắng đến tham dự. Rất nhiều ý kiến khá thẳng thắn của đại biểu các doanh nghiệp nói lên khó khăn và vướng mắc rất cần sự vào cuộc tháo gỡ của tỉnh, các bộ, ngành trung ương như thay vì áp giá tính thuế tài nguyên tại nơi tiêu thụ, ngành Thuế cần áp dụng giá tính thuế tài nguyên ngay tại nơi khai thác. Lâu nay, các doanh nghiệp Yên Bái đều phải tính thuế tài nguyên tại nơi tiêu thụ (khi đó giá đã được đẩy lên khá cao bởi phải gánh thêm rất nhiều chi phí khác như vận chuyển, kiểm hóa, kho bãi...) và giá bán đã được điều chỉnh bởi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT.
Thực tế cho thấy, đá hoa trắng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng trữ lượng mỏ và nguyên liệu đá vôi trắng cũng làm ra nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó hàng loại I có giá trị lớn cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, sản lượng không nhỏ, còn lại là hàng loại II, loại III giá bán từ 250 nghìn đến 450 nghìn đồng/tấn. Như vậy, cách áp giá để tính các khoản phí và thuế của Nhà nước đối với ngành hàng này là chưa phù hợp. Đại biểu Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái nêu ý kiến: “Một lượng thải rất lớn trong quá trình khai thác đá vôi trắng đang nằm tại các khai trường. Đây là loại đá có độ cứng không đủ để làm đường giao thông nên giá trị rất thấp. Tỉnh cần có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp tận dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng nhằm tận thu nguồn khoáng sản, giảm thiểu tác hại đối với môi trường. Nếu áp giá thuế tài nguyên cao như hiện nay thì không khuyến khích được doanh nghiệp và sẽ gây lãng phí lớn”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Chỉnh - Công ty cổ phần Mông Sơn bày tỏ sự lo ngại đối với sự tồn tại và phát triển của ngành nghề khai thác đá vôi trắng khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam cam kết trong quá trình hội nhập sẽ có hiệu lực trong năm 2015 và 2016. “Bột đá của Malaysia với thuế xuất bằng không và lợi thế vận chuyển bằng đường biển sẽ chiếm lĩnh thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phía Nam nếu các doanh nghiệp Yên Bái không có giải pháp phù hợp và khộng nhận được sự quan tâm của tỉnh” - ông Chỉnh nhấn mạnh. Rất nhiều đại biểu tham dự buổi gặp mặt đã thắc mắc tại sao Yên Bái áp thuế tài nguyên cao hơn rất nhiều so với tỉnh Nghệ An, trong khi các doanh nghiệp tỉnh bạn có lợi thế hơn rất nhiều về cự ly và phương tiện vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Nhờ những ưu đãi này mà các doanh nghiệp chế biến đá bột ở Nghệ An luôn giành phần thắng trong quá trình chiếm lĩnh thị trường.
Theo YBĐT