Bạn đang ở đây

Euro giảm giá: Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

19/03/2015 14:59:29

Bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty thủy sản Sông Tiền (Sotico)- cho hay, Sotico chủ yếu XK sang thị trường EU. Từ ngày 13/3 tới nay, việc giao hàng của công ty đang chững lại do phía đối tác yêu cầu giảm giá sản phẩm do giá đồng Euro đang giảm mạnh. Hiện công ty đang tính toán lại cơ cấu giá thành sản phẩm và tiết giảm tối đa chi phí, tuy nhiên việc này rất khó bởi giá giá xăng dầu, điện, lương đều tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng cao.

Ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hội Da giày TP.Hồ Chí Minh (SLA)- nói, hơn 1/3 số lượng giày dép XK sang EU nên giá Euro giảm sẽ xảy ra hai trường hợp: Nếu DN XK thu ngoại tệ bằng Euro thì khi đổi ra USD sẽ chịu thiệt về tỷ giá. Hoặc DN đang thanh toán bằng USD, khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá, nếu DN đồng ý giảm thì việc đàm phán lại giá bán sau này, trong trường hợp đồng Euro lên giá trở lại sẽ khó khăn. Đây là bài toán khó cho DN trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo một DN dệt may tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mặc dù hầu hết các DN nhận hàng gia công đều đã ký hợp đồng từ cuối năm 2014 nhưng do giá Euro sụt giảm nên nhiều khách hàng đã xin lùi thời hạn thanh toán để kỳ vọng giá Euro tăng lên…

Sự sụt giảm đồng Euro sẽ gây bất lợi cho hoạt động XK của các DN Việt Nam vào EU vì giá bán hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ đắt hơn.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá đồng Việt Nam nhằm hỗ trợ XK. Bởi lẽ, hiện chính sách tỷ giá được NHNN “neo” theo đồng USD với biên độ không quá 2%. Vì thế khi “đồng bạc xanh” lên giá nhưng tỷ giá hối đoái danh nghĩa giữa USD/VND không thay đổi đồng nghĩa với việc đồng Việt Nam cũng lên giá, không làm cho hàng hóa Việt Nam XK vào Mỹ đắt lên, mà làm cho giá trị hàng hóa của đối thủ cạnh tranh trở lên rẻ hơn so với hàng Việt. Sự sụt giảm đồng Euro sẽ gây bất lợi cho hoạt động XK của các DN Việt Nam vào EU vì giá bán hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ đắt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Kiệt, xét trên toàn cục, hàng hóa Việt Nam XK sang thị trường EU chỉ khoảng 30%, phần lớn XK sang thị trường châu Á và Mỹ, vì thế, cần phải tính toán kỹ lưỡng chính sách tỷ giá.

Để hạn chế rủi ro về tỷ giá khi XK vào thị trường EU, các DN có thể chọn phương án mua bảo hiểm tỷ giá. Tuy nhiên, do chi phí mua bảo hiểm cao nên các DN thường e ngại. Do vậy, nhiều DN đã đàm phán với khách hàng lâu năm để dùng nguyên liệu thay thế hoặc làm sản phẩm đơn giản hơn nhằm hạ giá thành mà vẫn mang lại sự thoải mái cho người tiêu dùng so với sản phẩm cũ. Hoặc có DN tìm cách nâng cao năng suất để giảm giá cho đối tác mà vẫn không phải chịu thiệt.

Theo Báo Công Thương