Theo Quyết định số 2219/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 12/3/2015 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu trên phạm vi toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm rượu phải theo hướng văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa và xu thế của thời đại.
Trên cơ sở đó, Quy hoạch mạng lưới kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu cần có sự tăng cường kiểm soát chặt chẽ của quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, đảm bảo thu ngân sách và lợi ích của toàn xã hội, phù hợp với các quy hoạch có liên quan.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp phân phối sản phẩm rượu phải được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn đồ uống có cồn hoặc kinh doanh sản phẩm rượu; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; có hệ thống phân phối sản phẩm rượu trên địa bàn từ 6 tỉnh trở lên (tại mỗi tỉnh phải có từ 3 thương nhân bán buôn sản phẩm rượu trở lên).
Doanh nghiệp phải có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán, có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) phù hợp, đáp ứng yêu cầu bảo quản chất lượng của sản phẩm rượu trong thời gian lưu kho cũng như vận chuyển.
Đối với doanh nghiệp bán buôn sản phẩm rượu, phải được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu. Doanh nghiệp bán buôn rượu cũng phải có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định…
Đáng chú ý, từ năm 2015 đến năm 2025 cơ quan chức năng chỉ cấp phép tối đa 249 Giấy phép phân phối sản phẩm rượu và cấp tối đa 996 Giấy phép bán buôn sản phẩm rượu. Đối với việc quy hoạch mạng lưới kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu từ năm 2026 đến năm 2035 chỉ cấp phép tối đa 264 giấy phép phân phối sản phẩm rượu, đồng thời cấp phép tối đa 1.056 giấy phép bán buôn sản phẩm rượu.
Theo VOV