Người đứng đầu Chính phủ có quyết tâm rất cao như vậy không có gì khó hiểu. Bởi vì, cải thiện môi trường kinh doanh là biện pháp có hiệu quả nhất trong những biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó giúp cho các doanh nghiệp, doanh nhân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết 19/2014/NQ-CP (NQ19) của Chính phủ đã có những kết quả bước đầu và về lý thuyết, các chỉ số nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội, khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, tiếp cận điện... đã được cải thiện rõ rệt. Song, kết quả chưa toàn diện và triệt để. Chưa toàn diện vì NQ19 đề ra 7 giải pháp tổng thể và 49 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong số 7 giải pháp tổng thể, 4 giải pháp đã được thực hiện và bước đầu có kết quả; 1 giải pháp được thực hiện, song chưa có kết quả rõ ràng và 2 giải pháp chưa được thực hiện. Với 49 giải pháp cụ thể, mới có 8 giải pháp được thực hiện và có kết quả; 16 giải pháp đã được thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng và 25 giải pháp chưa được thực hiện, chiếm tỷ lệ quá nửa. Có tới 5 bộ chưa thực hiện giải pháp nào trong số các giải pháp được giao. Hơn nữa, NQ19 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch hành động. Song, hầu hết các kế hoạch hành động đã xây dựng chưa nêu rõ lộ trình thời gian và cách thức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Điều đó chứng tỏ, tình trạng thực hiện để “đối phó” vẫn còn tồn tại.
Đáng chú ý, nhiều cải cách vẫn dừng lại ở trên văn bản của Quốc hội, Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ. Chưa có biện pháp nào tạo ra sức ép phải thực hiện đối với các cán bộ, công chức cấp thừa hành, trực tiếp làm việc với người dân và doanh nghiệp. Do đó, đội ngũ này rất có thể “vô hiệu hóa” những tiến bộ của các cải cách được đưa ra từ lãnh đạo cấp cao.
NQ19 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch hành động. Song, hầu hết các kế hoạch hành động đã xây dựng chưa nêu rõ lộ trình thời gian và cách thức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. |
Trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, các nước trong khu vực và thế giới không dừng lại chờ chúng ta thay đổi để cùng tiến. Ngược lại, họ liên tục cải tiến nên chúng ta sẽ không thể theo kịp nếu không quyết liệt hơn. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới đã công bố thay đổi cách tính trong lần xếp hạng môi trường kinh doanh 2015/2016. Theo đó, những tiêu chí mới bổ sung sẽ đi sâu hơn vào quá trình sau kê khai của các thủ tục hành chính. Ví dụ, tiêu chí về thanh tra thuế, hoàn thuế và xử lý khiếu nại về thuế sẽ được bổ sung vào tiêu chí nộp thuế. Đó lại là những vấn đề đang rất bức xúc đối với các doanh nghiệp và chưa được đề cập trong lần cải cách thủ tục hành chính thuế theo NQ19 vừa qua.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có một Nghị quyết thay thế Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó quy định rõ ràng hơn, đầy đủ hơn trách nhiệm của từng vị trí công chức của các cơ quan quản lý nhà nước, những người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, người dân.
Hy vọng việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn theo sự chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế trên con đường hội nhập.
Theo Báo Công thương