Bạn đang ở đây

Yên Bái: Triển khai chương trình đưa hàng Việt về miền núi năm 2014

04/02/2015 09:30:14

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp Ủy đảng lãnh đạo, sự phối hợp giữa cấp chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể các cấp trong quá trình triển khai Cuộc vận động. Sở Công Thương là thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện 08 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại 05 huyện là Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên và Văn Chấn. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của  tỉnh Yên Bái nhằm tăng cường đưa hàng Việt Nam sản xuất về các vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh. Tham gia mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi có 18-20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia có từ 20-25 gian hàng, trong đó tỉnh Yên Bái có 03-05 doanh nghiệp tham gia. Mỗi phiên chợ số lượng khách đến tham quan mua sắm khoảng 4.000-4.500 lượt khách. Hàng hóa tham gia phiên chợ là những mặt hàng sản xuất trong nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý như chăn ga gối đệm và quần áo may sẵn; các sản phẩm cơ khí nông nghiệp, tranh đá quý Lục Yên, đồ gia dụng, thực phẩm. Thông qua phiên chợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa nhất là thị trường nông thôn, miền núi và đẩy mạnh quảng bá, kích cầu tiêu dùng, tôn vinh sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất và phát triển hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Việc tổ chức chương trình đưa hàng Việt về miền núi đã nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chủ trương chính sách của Bộ Chính trị, Bộ Công thương, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để định hướng và khuyến khích người dân quan tâm tiêu dùng hàng Việt. Về phía người tiêu dùng: Hoạt động thông tin tuyên truyền, vận động đã làm cho người tiêu dùng trong tỉnh từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam vì sự phát triển của đất nước cần thay đổi thói quen khi mua sắm. Các chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm đã giúp cho người tiêu dùng được tiếp cận với thương hiệu doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin so sánh, đánh giá, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Về phía doanh nghiệp: Cuộc vận động đã tạo điều kiện cho nhà sản xuất trong nước tiếp cận nhiều hơn tới người tiêu dùng, qua kênh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp tại thị trường nội địa đặc biệt là thị trường khu vực nông thôn và miền núi. Từ những hoạt động của chương trình doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch xây dựng chiến lược sản phẩm, về lâu dài hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa. Sản phẩm hàng hóa được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từng bước thay đổi tin tưởng của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt. Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Trên cơ sở nhận thức đánh giá về tầm quan trọng của thị trường trong nước, đã có tiếng nói đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách kiểm soát hàng lậu, phát triển thị trường trong nước, kiểm tra kiểm soát thị trường để bảo vệ cho hàng hóa và thị trường nội địa.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương về hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những khó khăn như đại bộ phận thu nhập của người tiêu dùng đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi còn thấp chưa có điều kiện tiếp cận sản phẩm có chất lượng và giá thành còn cao. Các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn trong nước hiện nay chưa chú trọng đúng mức vào thị trường nội địa mà chỉ quan tâm đến xuất khẩu nên tỷ lệ hàng hóa phục vụ xuất khẩu với giá bán cao còn rất lớn, không phù hợp với tiêu dùng trong nước như hàng dệt may, da giầy. Mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp đầu mối sản xuất trong nước chưa đa dạng và chưa thật sự đủ mạnh đã khiến doanh nghiệp không tiếp cận với các thị trường nông thôn, miền núi đã khiến hàng Việt bị hàng kém chất lượng, giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ lấn áp chiếm lĩnh thị trường. Trong khi đó tỉnh Yên Bái giao thông giữa các địa bàn đi lại không thuận lợi nên các doanh nghiệp sản xuất không dám đưa hàng về vì lo ngại “lỗ vốn” do chi phí vận chuyển tăng, bán hàng không đủ doanh số dẫn đến không đủ bù đắp chi phí. Việc liên kết giữa các nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối và đại lý bán hàng tại địa phương chưa được quan tâm ở một số mặt hàng thiết yếu dẫn tới làm hạn chế mạng lưới phân phối hàng Việt tại các địa bàn miền núi.

Để tiếp tục triển khai chương trình hành động đưa hàng Việt về miền núi, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương và địa phương để doanh nghiệp thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trên cơ sở đề xuất, dự án thực hiện của Sở Công thương Yên Bái năm 2015. Tiếp tục quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí để tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nhằm giới thiệu quảng bá, nâng cao nhận thức và tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt.

Nguồn: Phòng QLTM