Nhiều kinh tế gia nhận định khá lạc quan: Trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may Việt Nam đang có đà tăng trưởng và những bứt phá ngoạn mục nhờ những FTA đã và sắp ký kết. Thuế xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0%, là cơ hội lớn để thương hiệu dệt may Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua với nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước xấp xỉ 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu hàng dệt may đạt tới 18,9 tỷ USD, tăng 16,9%, chỉ đứng sau nhóm hàng điện thoại và linh kiện (21,9 tỷ USD, tăng 9,8%).
Có một thực tế không thể không nhắc đến: Hàng dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng khó lay chuyển tại hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều thị trường đã vươn tới mốc “tỷ đô” như: Hoa Kỳ 8,85 tỷ USD; Nhật Bản 2,38 tỷ USD; Hàn Quốc 1,96 tỷ USD. Chỉ riêng 3 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đầy tiềm năng.
Lạc quan là vậy, nhưng không phải tất cả đều “tỏa sáng”. Vẫn còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ trong “nội tại” lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 11 tháng qua có tới 11,26 tỷ USD thuộc về các doanh nghiệp FDI, chiếm xấp xỉ 2/3. Các doanh nghiệp nội nghĩ gì về tỷ lệ này?
Và nữa, nói về con số kim ngạch xuất khẩu tuyệt đối, hàng dệt may chỉ đứng sau nhóm hàng điện thoại và linh kiện, nhưng về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2013, hàng dệt may còn thua xa nhiều nhóm hàng khác, chẳng hạn, cà phê tăng 33,2%, hạt tiêu tăng 35%, túi xách, ví, vali, ô, dù tăng 32,7%, giày dép tăng 23,7%… Dệt may chưa phải là “vận động viên” mạnh nhất.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chắc hẳn phải chuyển mình, tung hết sức, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để đưa hàng dệt may tới vị trí dẫn đầu vững chắc trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hướng tới tương lai “sáng” hơn nữa.
Nguồn: Báo Công Thương ĐT