Lễ khai trương Phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Yên Bái tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.
|
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái nhận xét: Dù có sự điều chỉnh 2 lần giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giảm nhưng số dư tiền gửi (nguồn vốn huy động tại địa phương) tại các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Điều đó cho thấy, người gửi vẫn có lãi do lợi nhuận cao hơn lạm phát và hơn nữa chứng tỏ sự năng động, sáng tạo của các ngân hàng trên thị trường vốn.
Theo thống kê, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn năm 2014 ước đạt 11.050 tỷ đồng, tăng 18,27% so với năm 2013, trong đó, số dư tiền gửi các tổ chức và dân cư (nguồn vốn huy động tại địa phương) tăng 28,17%. Tổng doanh số cho vay ước đạt 11.815 tỷ đồng, tăng 21,57% so với thực hiện năm 2013; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 13,88% so với năm 2013. Có nguồn vốn giá rẻ và dồi dào, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã áp dụng và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phù hợp (mức lãi suất cho vay giảm từ 2% đến 2,5%/năm so với cuối năm 2013 và đã trở về mức lãi suất thời kỳ năm 2005 - 2006).
Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ ngày 29/10/2014 đến nay, mức cho vay tối đa 7%/năm đối với các chi nhánh ngân hàng thương mại và 8%/năm đối với các quỹ tín dụng nhân dân). Lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến từ 10% đến dưới 12%/năm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác phổ biến mức 12% đến 12,5%/năm.
Lãi suất giảm, việc chủ động tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp là câu chuyện được quan tâm nhất của các ngân hàng trong năm 2014. Để làm được điều này, cán bộ tín dụng phải “sống” cùng doanh nghiệp. Theo ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Yên Bái thì “Đó là cách tốt nhất để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này và đó cũng là cách để ngân hàng tự cứu lấy mình, khi cả hai cùng ngồi trên con thuyền lớn”.
Ví von của lãnh đạo BIDV cho thấy, ngân hàng và doanh nghiệp đã rất gần nhau, nếu không muốn nói là họ đã xem nhau như người một nhà! Từ quan điểm, nhận thức ấy mà hàng loạt doanh nghiệp đã vực dậy sản xuất, có sự bứt phá như: Công ty cổ phần Yên Hà, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái cùng các doanh nghiệp xây lắp...
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để cùng phát triển, thêm nữa, giờ người ta cũng hiểu dần ra rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, nhiệm vụ đầu tiên của ngân hàng là bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Cho vay không đúng quy định đồng nghĩa với việc nguy cơ mất vốn cao, tỷ lệ nợ xấu tăng! Ở khía cạnh khác, việc cho vay “ dễ” cũng khiến nhiều doanh nghiệp vay bừa, làm ẩu, sử dụng vốn sai mục đích... dẫn đến không trả được gốc và lãi. Chấp hành đúng quy định về thủ tục cho vay, tập trung thu hồi và xử lý nợ xấu cũng là những phần việc được hệ thống các ngân hàng ưu tiên trong năm 2014, từ đó chất lượng tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,29% tổng dư nợ, giảm hơn một nửa so với 3% nợ xấu trên tổng dư nợ theo chỉ tiêu định hướng năm 2014.
Thành công trên lĩnh vực tín dụng truyền thống, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung, đó là điều rất đáng ghi nhận đối với ngành ngân hàng trong năm 2014. Với rất nhiều người Yên Bái, hình ảnh thương hiệu Agribank, BIDV, Vietinbank, LienVietPostBank... còn gắn liền với những nghĩa cử cao đẹp. Họ, không phải ai khác là những người tích cực nhất trong công tác từ thiện xã hội. Thăm hỏi, tặng quà, động viên đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn, dành hàng chục tỷ đồng để xây trường, xây trạm y tế... cho dù lương và thu nhập của cán bộ ngân hàng giờ đã thấp hơn trước nhiều lần. Đó là điều đáng trân trọng!
Một năm đi qua để lại nhiều dấu ấn đáng ghi nhớ trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Năm 2015 đã đến. Đứng trước vận hội mới nhưng cũng nhiều nguy cơ, thách thức mới, cấp ủy, chính quyền, người dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp luôn tin tưởng vào những nỗ lực vươn lên, đóng góp hơn nữa cho sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng - một trong ba “chân kiềng” của nền kinh tế cùng với đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn: YBĐT