Xác định công nghiệp là khâu đột phá, tạo động lực cho kinh tế phát triển, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã coi trọng chính sách thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để công nghiệp phát triển, đã chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế.
Đến nay, các ngành nghề chế biến nông, lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng đã trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Ngành nghề chế biến nông, lâm sản với hàng loạt các nhà máy giấy quy mô vừa ở Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn… sản lượng giấy đạt trên 20 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, toàn tỉnh có trên 400 cơ sở chế biến gỗ với các sản phẩm gỗ thanh, gỗ bóc, ván ép, đũa xuất khẩu, với hàng vạn mét khối gỗ rừng trồng hàng năm được khai thác, chế biến sâu, đã nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.
Bên cạnh chế biến sắn đạt sản lượng hàng chục nghìn tấn tinh bột/năm, còn có hàng nghìn tấn sắn băm, sấy khô được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch cũng tăng thu nhập và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động thời vụ. Và gần 100 cơ sở chế biến chè ở các địa phương có vùng nguyên liệu, giúp sản phẩm chè được thu mua, chế biến và tiêu thụ tận gốc.
Trong khai thác và chế biến khoáng sản đã dần đi vào ổn định, trong đó đáng kể nhất là các mỏ đá vôi trắng ở Yên Bình, Lục Yên được khai thác, chế biến sâu, tạo ra mặt hàng có giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong các ngành nghề sản xuất đồ nhựa, cao su, hóa mỹ phẩm, sơn… Trong lĩnh vực khai thác đá vôi trắng phải kể đến Công ty Liên doanh canxi cácbonat YBB, Công ty Cổ phần khoáng sản Mông Sơn, Công ty TNHH đá cẩm thạch RK Việt Nam… Lĩnh vực khai thác quặng sắt đang được rà soát quy hoạch lại bảo đảm việc khai thác, đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư, giảm thiểu gây hại cho môi trường, chú trọng chế biến làm giàu quặng bảo đảm đủ tiêu chuẩn đưa vào luyện gang, thép.
Yên Bái rất chú trọng một số sản phẩm có tính đột phá như: Sản phẩm công nghiệp, năng lượng, cơ khí |
Với tiềm năng là tỉnh có trữ lượng đá vôi lớn, Yên Bái đã thành công trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng với hai nhà máy xi măng, tổng công suất gần 1,4 triệu tấn/năm, sản phẩm xi măng Vinaconex Yên Bình và YBC Yên Bái, chiếm thị phần lớn tại Yên Bái và các tỉnh lân cận; sản phẩm gạch xây dựng thương hiệu Xuân Lan, Bảo Hưng, Văn Chấn…, mỗi năm, gần 200 triệu viên đã đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh và vươn ra các tỉnh bạn.
Sản xuất công nghiệp với các ngành chủ lực vẫn đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Yên Bái. Theo số liệu của Sở Công Thương, 10 tháng đầu năm 2014, lũy kế ước đạt 8.116,781 tỷ đồng, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước đạt 1.272,355 tỷ đồng, giảm 9,86% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 5.340,461 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng ước đạt 1.472,186 tỷ đồng, tăng 22,77% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, liên quan đến kim ngạch xuất khẩu, 10 tháng đầu năm 2014, lũy kế ước đạt 42,47 triệu USD, bằng 86,67% kế hoạch, tăng 2,46% so với cùng kỳ. Đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu là nhóm sản phẩm khoáng sản (đá bột + hạt, đá block); tinh bột sắn, giấy vàng mã... Các đơn vị có kim ngạch xuất khẩu khá: Công ty CP lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, công ty liên doanh cacbonnat YBB, công ty CP Mông Sơn, công ty CP Yên Sơn, Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam…
Trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch và hiệu quả. Trong đó, công tác củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được xem là khâu then chốt. |
Các cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) không chỉ tăng về số lượng mà trình độ công nghệ cũng được nâng lên. Nhìn chung các dự án đầu tư mới đều áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Cơ cấu ngành công nghiệp dần chuyển dịch đúng hướng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 5 khu công nghiệp (KCN) và 13 cụm công nghiệp (CCN). Với việc hình thành và đầu tư xây dựng 3 KCN cấp quốc gia được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường đến chân hàng rào sẽ tạo mọi điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư, góp phần tạo thêm việc làm, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.
Nhằm tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được, Yên Bái xác định nhiệm vụ then chốt là làm tốt quy hoạch, trong đó có quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết các sản phẩm công nghiệp, nhất là các sản phẩm mũi nhọn và bổ sung một số sản phẩm mới có tính đột phá, như: sản phẩm công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử…
Cùng với tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trong các khu, CCN. Trước mắt, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng KCN phía Nam tỉnh và các KCN Minh Quân, Âu Lâu, CCN Thịnh Hưng,… Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, có cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư có khả năng thực hiện các dự án quy mô lớn, sản xuất công nghệ mới, sản phẩm thân thiện với môi trường. Với các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đổi mới công nghệ, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí.
Cùng với đó, tỉnh Yên Bái cũng có chủ trương phát triển các vùng nguyên liệu gắn với việc xây dựng các cơ sở chế biến. Tăng cường liên kết 4 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Mục tiêu 5 năm tới là xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Tây Bắc. Do đó, việc kêu gọi thu hút đầu tư là rất cần thiết. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp...; phải đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông; xây dựng các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh công tác kinh tế đối ngoại, có chính sách cụ thể thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua hoàn thiện môi trường pháp lý, môi trường hoạt động thuận lợi cho các hoạt động của tổ chức phi chính phủ.. và mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn.
Theo Báo Công Thương