Các chuyên gia đều thống nhất nhận định kịch bản khả thi cho kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là sự tăng trưởng một cách thận trọng.
Lý giải cho kịch bản này, các chuyên gia cho rằng, hai năm qua là một giai đoạn phát triển rất đáng chú ý của kinh tế Việt Nam. Theo đó, tuy còn nhiều khó khăn, song những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam là tích cực và bền vững. Minh chứng cho sự thay đổi tích cực đó là hầu hết các lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam như: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… đều có triển vọng tăng trưởng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đều tăng… Điều quan trọng không kém là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên cũng như việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đề cập đến việc tạo sự vững chắc cho phục hồi nền kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung cho các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. Một số chuyên gia lưu ý, thời gian qua đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa là các giải pháp tăng sức mạnh cho doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục được quan tâm để tạo thêm động lực cho tăng trưởng bền vững.
“Đó cũng là một cách thiết thực để có được những doanh nghiệp Việt Nam đúng nghĩa như mong mỏi của Chính phủ”- một chuyên gia nói.
Trước những băn khoăn về những dư địa cho phát triển của Việt Nam dường như đang thu hẹp dần lại, các chuyên gia lưu ý: Năm 2015, Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán hàng loạt các FTA như FTA Việt Nam- EU; FTA Việt Nam- Hàn Quốc, Hiệp định TPP…; hoặc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Chính sự hội nhập chủ động và tích cực đó sẽ giúp tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo Công thương