Hội nghị đã diễn ra trên cơ sở thảo luận khách quan và cởi mở từ phía cơ quan quản lý nhà nước là Sở Công Thương, Chi cục Hải quan Yên Bái và các đại biểu tham dự là lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn.
Đến dự hội nghị có sự góp mặt của hơn 50 đại biểu đến từ 30 doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và các doanh nghiệp FDI hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó giám đốc Sở Công Thương thay mặt cho lãnh đạo Sở chủ trì hội nghị đã đánh giá chung tình hình kinh tế trong nước và quốc tế và tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2013 và 8 tháng đầu năm 2014. Cả phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều nhận định, sang năm 2014, nền kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục ghi nhận nhiều khó khăn, nhưng có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực trong đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, Yên Bái ghi nhận nhiều khó khăn hơn là do các sản phẩm nông, lâm sản xuất khẩu của tỉnh còn đơn điệu trong mẫu mã và phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nhập khẩu. Nhiều sản phẩm thế mạnh của tỉnh như tinh bột sắn, tinh dầu quế, gỗ rừng trồng chế biến,… chỉ có một số ít, thậm chí một thị trường nhập khẩu, gây rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Dự tính đến hết tháng 8 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 34,154 triệu USD/Kế hoạch 49 triệu USD bằng 69,7%; giảm 0,87% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào nhóm các mặt hàng khoáng sản, nhóm các sản phẩm nông, lâm sản như tinh bột sắn, tinh dầu quế, gỗ xẻ thanh, ván ép, đũa gỗ và một số mặt hàng khác như giấy vàng mã, sứ điện. Đây cũng là những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của tỉnh và đóng góp nhiều trên tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều mặt hàng khác cũng có lợi thế xuất khẩu như sản phẩm chè chế biến, quế vỏ…nhưng lại chưa đóng góp được nhiều vào hoạt động xuất khẩu và đạt giá trị xuất khẩu thấp so với kế hoạch đề ra. Cụ thể:
Nhóm hàng nông sản:
Mặt hàng chè xuất khẩu đạt 327 tấn, bằng 40,9% kế hoạch, giảm 5,49% so với cùng kỳ; Sản phẩm quế vỏ năm 2013 không xuất khẩu được, 8 tháng năm 2014 xuất được 15 tấn. Đây là 2 mặt hàng chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này của Yên Bái chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ năng lực về tài chính còn hạn chế, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, thiếu thông tin về thị trường, do đó kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so với tiềm năng.
Mặt hàng tinh bột sắn đạt 13.804 tấn, bằng 87,92% kế hoạch, giảm 3,96% so với cùng kỳ, do đặc thù của sản phẩm này của tỉnh mới chỉ tiêu thụ ở thị trường duy nhất là Trung Quốc và xuất theo đường biên mậu, nên thị trường nhiều lúc biến động khó lường, số lượng xuất khẩu trực tiếp qua thường không ổn định.
Mặt hàng tinh dầu quế có số lượng xuất khẩu qua các năm tăng dần và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản phẩm tinh dầu quế sản xuất chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, thị trường xuất khẩu của tinh dầu quế của tỉnh cũng là thị trường Trung Quốc. Sản lượng xuất khẩu 8 tháng năm 2014 đạt 75 tấn, bằng 80,27% kế hoạch, tăng 12,31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng giống những mặt hàng nông sản khác như quế vỏ hay chè chế biến, việc thu mua nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, dẫn đến sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp không ổn định qua các tháng.
Nhóm hàng công nghiệp nặng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: Mặt hàng đá CaCO3 (hạt + bột) đạt 129.516 tấn, bằng 53,97% kế hoạch, giảm 27% so với cùng kỳ; Sản phẩm đá block đạt 3.356 m3, bằng 67,12% kế hoạch, giảm 18,1%; Sản phẩm đá xẻ đạt 174.429 m2, đạt 85,1% kế hoạch, tăng 23,32% so với cùng kỳ. Mặt hàng sứ cách điện đạt sản lượng 185 tấn, bằng 74% kế hoạch, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đang tăng dần mặt hàng chế biến sâu, giảm dần mặt hàng khoáng sản thô. Thị trường xuất khẩu khoáng sản lớn nhất vẫn là Ấn Độ và ngày càng được mở rộng hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và thủ công: Mặt hàng may mặc đạt 10,62 ngàn sản phẩm, đạt 21% kế hoạch, giảm 3%. Công ty phải tiến hành chuyển trụ sở làm việc và nhà máy sản xuất dẫn đến hoạt động xuất khẩu vẫn chưa đi vào ổn định và gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ và nhân công cũng như đội ngũ làm xuất khẩu giàu kinh nghiệm.
Nhóm hàng lâm sản:
Mặt hàng đũa gỗ đạt 46,3 triệu đôi, đạt 92,6% kế hoạch, giảm 21,53%; mặt hàng ván gỗ ép + ván gỗ ghép thanh đạt 11.600 m3, đạt 83,45% kế hoạch, tăng 19,3%, mặt hàng ván gỗ tăng trưởng cao so với năm trước là do một số doanh nghiệp mới tham gia hoạt động xuất khẩu nên đẩy sản lượng và giá trị tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Mặt hàng giấy vàng mã xuất khẩu đạt 5.794 tấn, bằng 57,94% kế hoạch, giảm 5,3%, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này đã có rất nhiều cố gắng trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, mở rộng quy mô, tuy nhiên thị trường duy nhất tiêu thụ sản phẩm này là thị trường Đài Loan nên mức tăng trưởng chưa thật ổn định và có thể thay đổi khi đối tác giảm nhập khẩu, ngoài ra, do chi phí vận tải tăng cao, nhiều doanh nghiệp không xuất khẩu mà chuyển sang kinh doanh nội địa dẫn đến lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu 8 tháng đầu năm, đến hơn 95% hàng hóa của các doanh nghiệp Yên Bái được xuất khẩu sang thị trường Châu Á, trong đó thị trường Trung Quốc xuất khẩu đạt giá trị lớn nhất với 7,32 triệu USD chiếm 21,4%; tiếp theo là thị trường Đài Loan xuất khẩu ước đạt 6,45 triệu USD chiếm 18,9%; thị trường Ấn Độ chiếm vị trí thứ 3 với 4,63 triệu USD chiếm 13,5%, ngoài ra là các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Anh, Italy, Bangladesh, Hồng Kông...
Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng ước đạt 10,63 triệu USD giảm 12,7% so với cùng kỳ. Đối với mặt hàng nhập khẩu thì số lượng mặt hàng còn khiêm tốn và chủ yếu là phân bón, nguyên phụ liệu hàng may mặc, máy móc thiết bị phụ tùng. Trong đó mặt hàng phân bón ước đạt 9,2 triệu USD chiếm 86,6% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu của tỉnh, ph0ấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 và các năm tiếp theo cần sự nỗ lực hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để tăng nguồn hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Tập trung hỗ trợ vốn cho xuất khẩu, cùng với gia tăng các chính sách tín dụng tiền tệ của Trung ương và của Tỉnh, tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 05/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, các dự án trong cụm, khu công nghiệp, hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, cấp và thu hồi đất, cho thuê đất để tạo thuận lợi thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tiếp tục cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, kịp thời động viên doanh nghiệp.
Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến xuất khẩu với khu vực cung cấp nguyên liệu; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu; Ký kết hợp đồng tiêu thụ theo tinh thần Quyết định số 80 của Thủ Tướng Chính phủ.
Tiếp tục khai thác mở rộng thị trường thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2013-2020, định hướng đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2015 trên 20%. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, triển khai Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 29/6/2011 về phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 21/3/2014 về việc phê duyệt Chương trình XTTM giai đoạn 2013-2015. Bên cạnh đó các doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm Quốc gia, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm (chè, quế, sứ Yên Bái, bột CaCO3 xuất khẩu). Sản xuất chế biến đến sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong tỉnh cần phải chủ động hơn nữa trong công tác tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ…
Tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và nâng cấp Website, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cổng TMĐT Quốc gia và của tỉnh; hỗ trợ DN có giải pháp mới về ứng dụng TMĐT; Hiện tại Sở Công Thương đã nâng cấp Cổng giao dịch thương mại điện tử địa phương thành Sàn giao dịch Thương mại điện tử và đi vào vận hành tháng 10/2013, đây là điều kiện thuận lợi để giúp các doanh nghiệp XNK và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm có thể mạnh của tỉnh có thể quảng bá các sản phẩm thông qua hoạt động kinh doanh trực tuyến và là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp ngoài tỉnh và trên thế giới.
Nâng cao nhận thức về ứng dụng thương mại điện tử và khai báo Hải quan điện tử, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, để tiết kiệm chi phí kinh doanh tăng hiệu quả cho doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của tỉnh đạt 49 triệu USD.
Nguồn: Phòng QLTM