Bạn đang ở đây

Thị trường - Đức điểm sáng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

19/09/2014 08:54:26

Cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ
 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, Việt Nam và Đức có một bề dày quan hệ hợp tác thương mại và có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển những lĩnh vực kinh tế mà Đức có lợi thế về công nghệ so với nhiều nước công nghiệp khác nhằm phục vụ hiệu quả hơn cho mục tiêu tăng cường xuất khẩu sang Đức nói riêng và Châu Âu nói chung.


Theo ông Bùi Huy Sơn, CHLB Đức không chỉ là đối tác song phương trực tiếp với Việt Nam mà đây còn là một trong số ít đối tác chiến lược của Việt Nam, Đức cũng là cửa ngõ cho hàng Việt Nam sang thị trường các nước Liên minh Châu Âu (EU). Việt Nam xuất khẩu sang Đức những mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê..., đồng thời nhập khẩu từ thị trường này những mặt hàng như máy móc thiết bị, hóa chất, sản phẩm công nghệ cao… Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có sự hiện diện ở Đức, trong đó có FPT, Vietinbank đã tạo cơ sở thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn tại Đức.


Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đức phát triển khá năng động. Riêng năm 2013, theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, thương mại hai chiều Việt Nam và Đức đạt 7,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng trưởng 15,5% so với năm 2012, với mức xuất siêu là 1,77 tỷ USD. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Đức trên 2,88 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức trong 7 tháng đầu năm nay đa số đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó một số mặt hàng tốc độ tăng trưởng cao như: cà phê tăng 31,8%, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 55,2%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 116,3%, sản phẩm từ cao su tăng 85,9%...


Nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư


Cục trưởng Bùi Huy Sơn nhận định, Việt Nam và Đức hiện đang có những cơ hội rất tốt để khai thác các tiềm lực hợp tác. Đặc biệt, với giai đoạn hiện nay khi Việt Nam và EU đang nỗ lực khẩn trương kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do thì việc đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức sẽ giúp làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Đức là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam và là một trong những nền kinh tế dẫn dắt Châu Âu, Hiệp định FTA Việt Nam – EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Đức cũng như thị trường các nước EU.


Tại hội thảo, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội kinh doanh với Đức.

Theo ông Marko Walde, Đức nằm ở trung tâm EU, giáp biên với Pháp, Thụy Sỹ, Áo, CH Séc, Ba Lan, Bỉ, Lúc-xăm-bua và cách Việt Nam khoảng 11 giờ bay thẳng, là điểm đến hấp dẫn cho hàng hóa Việt Nam và thuận lợi cho hàng Việt Nam sang các thị trường Châu Âu khác. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 1.000 người Đức sống và làm việc ở Việt Nam, trong khi có tới 120.000 người Việt Nam sống và làm việc ở Đức, là cầu nối hiệu quả cho các hoạt động hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa hai nước.


Tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ Benno Bunse, Cục trưởng Cục Thương mại và Đầu tư CHLB Đức (GTAI) nhấn mạnh, Việt Nam đang và sẽ là một đối tác phát triển quan trọng của Đức. Đức cam kết giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Đức một mặt cũng chính là đầu tư cho khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.


Giải pháp thâm nhập thị trường Đức


Ông Marko Walde đã chỉ ra những phương pháp tiếp cận thị trường Đức. Cụ thể, các doanh nghiệp cần phân tích thông tin tại văn phòng về xu hướng thị trường Đức, xu hướng tiêu dùng, tìm hiểu về những  sản phẩm phù hợp, các yêu cầu của thị trường về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tham gia những hội chợ thương mại uy tín tại Đức như một kênh giới thiệu và phân phối hàng hóa hữu hiệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tham dự những diễn đàn và các sự kiện giao thương để nắm bắt thông tin thị trường và tiếp cận đối tác tiềm năng; quan tâm tới đối thủ cạnh tranh và sản phẩm cạnh tranh, văn hóa kinh doanh ở thị trường Đức...


Còn Tiến sỹ Benno Bunse cho biết, Cục Thương mại và Đầu tư CHLB Đức sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động của mình sang Đức cũng như sang các thị trường Châu Âu.


Tại hội thảo, ông S.Sathish Kumar, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TÜV SÜDViệt Nam đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam các loại chứng nhận cần có để sản phẩm dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, trong đó có Đức.


TÜV SÜD có nhiều hệ thống đánh giá khác nhau để hỗ trợ các nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có chứng nhận về chất lượng như ISO 9001, TL 9000, AS 9100…, chứng nhận an toàn và sức khỏe môi trường như ISO 14001, SS 506, QC 080000, hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn (SHMS), quản lý an toàn các chất gây hại (SMHS)…, chứng nhận công nghệ thông tin như an ninh thông tin (ISO 27000), dịch vụ IT (ISO 20000), chứng nhận an toàn thực phẩm như ISO 22000, FSSC 22000, phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), thực hành sản xuất tốt (GMP)…

Tại phiên hỏi đáp của hội thảo, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến những ưu đãi về thuế cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức. Giải đáp về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Huy Sơn cho rằng, đến nay do Hiệp định FTA Việt Nam – EU chưa được ký kết nên các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Đức được áp dụng theo cam kết của Việt Nam với WTO. Ngoài ra, Liên minh châu Âu, trong đó Đức là một thành viên, dành cho Việt Nam thuế ưu đãi đơn phương GSP cho giai đoạn mới có hiệu lực từ đầu năm 2014, tuy nhiên, mức thuế được áp dụng sau khi Hiệp định FTA Việt Nam – EU được ký kết sẽ ưu đãi toàn diện, ổn định hơn.


Theo Cục trưởng Bùi Huy Sơn, việc giảm thuế sẽ giúp hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về giá, tuy nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Về phía Cục Xúc tiến thương mại, Cục trưởng Bùi Huy Sơn khẳng định sẽ luôn nỗ lực tối đa trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp có những cơ hội tiếp xúc, giao thương với khách mua hàng quốc tế, đồng thời, cung cấp các thông tin thị trường cho doanh nghiệp thông qua các dịch vụ của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu...

 

Theo Cục XTTM