16/09/2014 10:27:29
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; ông Jun Daejoo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam; cùng hơn 200 nhà cung cấp toàn quốc trong các lĩnh vực khác nhau nhằm thảo luận và đưa ra giải pháp hỗ trợ phát triển nền công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường nội địa tiềm năng, các chính sách thu hút đầu tư có tính cạnh tranh, tính ổn định về chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng, tốc độ phát triển kinh tế đạt mức khá. Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư mang tính chiến lược cho các Tập đoàn đa quốc gia cũng như rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút gần 17 nghìn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt trên 243 tỷ USD (trong đó vốn giải ngân đạt khoảng 120 tỷ USD) từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã gia tăng đáng kể vào lĩnh vực công nghiệp điện tử từ một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…Theo đó, khu vực FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội có nhiều biến động vừa qua. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 trung tâm sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới trong chưa đầy 1 thập kỷ với giá trị sản xuất năm 2013 đạt 40 tỷ USD và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác hợp tác chiến lược, Hàn Quốc là một trong các đối tác đầu tư, thương mại, hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch hàng đầu của Việt Nam. Trong đó Hàn Quốc với 3,930 dự án và trên 32,8 tỷ USD tổng vốn đăng ký là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 02 tại Việt Nam với rất nhiều dự án đầu tư có hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, xây dựng, dịch vụ, kinh doanh bất động sản, dịch vụ…Đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 500 doanh nghiệp FDI từ các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam với tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 33% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2020. Lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng bởi đây là luận điểm cần thiết để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Phát biểu tại hội thảo, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định là một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, mục tiêu quan trọng của Samsung không chỉ là phát triển một cơ sở sản xuất quan trọng, mà còn là những đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế cho Việt Nam đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn non trẻ và rất nhiều tiềm năng. Với những chính sách ưu đãi và hành động thiết thực của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng trong nước sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu, trao đổi và hợp tác để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Samsung luôn tìm kiếm và đón nhận những cơ hội hợp tác với các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng đủ các tiêu chí về chất lượng, tiến độ và giá cả, tăng số lượng nhà cung cấp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Samsung, mang lại nhiều lợi ích cho cả Samsung và đất nước Việt Nam.
Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cùng tham gia đóng góp và trao đổi, lắng nghe các doanh nghiệp trình bày về nguyện vọng cũng như khả năng nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tại Việt Nam, năm 2013, Samsung đã xuất khẩu điện thoại di động với kim ngạch 23.9 tỷ USD chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp lớn vào nền kinh tế quốc dân. Việt Nam đã lần đầu tiên trở thành một cứ điểm sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới. Cùng với nhà máy Samsung Thái Nguyên mới đi vào hoạt động, Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của tập đoàn Samsung trên toàn cầu. Từ đó, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tồn tài và phát triển của Samsung tại Việt Nam. Cùng với việc trở thành trung tâm đầu não về sản xuất, Việt Nam trong tương lai gần cũng sẽ trở thành cứ điểm chính trong công tác Nghiên cứu và Phát triển của Samsung. Hiện nay, Samsung đã đưa vào hoạt động một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Hà Nội với gần 1.200 nhân viên. Theo chiến lược kinh doanh toàn cầu, Samsung đang cân nhắc để mở rộng và đầu tư thêm vào trung tâm này.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, câu chuyện cần bàn hiện nay là bằng cách nào để từ Samsung, người Việt Nam học hỏi được bí quyết công nghệ, nhằm nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước, đó là một mục tiêu quan trọng đối với thu hút FDI và làm sao để người lao động Việt Nam trong các nhà máy, trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung học được kỹ năng tay nghề, trình độ quản lý, nghiên cứu sáng tạo ở môi trường công nghệ cao để hình thành đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế hiện đại theo hướng phát triển bền vững.
Hội thảo là diễn đàn rất bổ ích, đã đưa ra một cách nhìn đa chiều nhằm hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững với một số sản phẩm có giá trị cao trên thị trường thế giới. Qua đó, hội thảo có cách nhìn về những định hướng, chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thông tin về nhu cầu cung ứng linh kiện của Samsung, quan trọng hơn là sự kết nối trực tiếp giữa các nhà sản xuất linh kiện trong nước với các chuyên gia của Samsung để doanh nghiệp có được những thông tin chính xác về nhu cầu của khách hàng cũng như vị trí, năng lực để từng bước cải thiện hướng tới mục tiêu có thể tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho Samsung nói riêng và các doanh nghiệp FDI trong tương lai./.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư