16/09/2014 10:19:16
Chương trình của đoàn bao gồm các hoạt động: tham gia hội thảo doanh nghiệp, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đi thăm hệ thống phân phối, gặp gỡ đối tác, quảng bá hình ảnh sản phẩm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ai Cập và Ma-rốc tập trung vào những ngành hàng như: nông sản (hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, hàng rau quả, tinh bột sắn, cao su…), thủy sản (cá tra, cá ba sa, tôm), dệt may, vải sợi, giày dép, lưới đánh cá, hóa chất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng, linh kiện ô tô, điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, v.v.
Ai Cập nằm ở khu vực Bắc Phi, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Bắc Phi và lớn thứ 2 tại Châu Phi. Năm 2013, do kinh tế Ai Cập gặp nhiều khó khăn nên trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập chỉ đạt 230,3 triệu USD, giảm 24% so với năm 2012 trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 221,6 triệu USD, giảm 25,4%. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất sang Ai Cập gồm: hàng thủy sản (56 triệu USD), sợi các loại (30,2 triệu USD), hạt tiêu (25,8 triệu USD), linh kiện ô tô CKD, SKD dưới 12 chỗ ngồi (14,6 triệu USD); máy móc thiết bị, dụng cụ & phụ tùng (14,3 triệu USD), hóa chất (9 triệu USD), cao su (7,5 triệu USD), v.v. Về nhập khẩu, năm 2013, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ai Cập đạt 8,7 triệu USD, chủ yếu gồm các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày, quặng, khoáng sản và một số hàng hóa khác. Kể từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình chính trị xã hội của Ai Cập đã dần đi vào ổn định, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Trong 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt 203,7 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó hàng thủy sản đạt 39 triệu USD (+2%), hạt tiêu 28,3 triệu USD (+31%), xơ, sợi dệt các loại 25,4 triệu USD (+49%), phương tiện vận tải và phụ tùng 11,2 triệu USD (+36%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,2 triệu USD (+39%), cà phê 5,6 triệu USD (+21%), hàng dệt may 3,3 triệu USD, sắt thép các loại 1,8 triệu USD.
Vương quốc Ma-rốc cũng nằm ở khu vực Bắc Phi, là quốc gia có tình hình chính trị ổn định. Trong năm 2013, GDP của Ma-rốc đạt 104,8 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 3.190 USD. Từ sau khi Việt Nam và Ma-rốc ký Hiệp định thương mại (năm 2001), tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu bình quân giữa hai nước đạt khoảng 20-25%/năm.
Trong năm 2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc đạt 108,6 triệu USD, tăng 27% so với năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đạt xấp xỉ 101 triệu USD, tăng 23,6%. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ma-rốc gồm điện thoại và linh kiện (63,5 triệu USD), cà phê (6,4 triệu USD), hàng hải sản (4,7 triệu USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,4 triệu USD), giày dép (2,3 triệu USD), tàu thuyền các loại (xấp xỉ 2 triệu USD), hàng dệt may (1,8 triệu USD), sợi (1,7 triệu USD), lưới đánh cá (1,3 triệu USD), hóa chất (1,3 triệu USD), hạt tiêu (1,3 triệu USD), v.v. Về nhập khẩu, kim ngạch không đáng kể, chỉ đạt 7,6 triệu USD. Việt Nam mua của Ma-rốc chủ yếu là hàng hải sản, máy vi tính, tân dược, phân DAP, sản phẩm dệt may, tân dược. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 03 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Ma-rốc đạt 37,7 triệu USD, tăng gần 50% trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 20 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4 triệu USD, tàu thuyền các loại 4 triệu USD, cà phê 3,3 triệu USD, hàng hải sản 1 triệu USD, sợi các loại 0,7 triệu USD, giày dép 0,68 triệu USD, hàng dệt may 0,65 triệu USD, sản phẩm hóa chất 0,65 triệu USD... Hiện Ma-rốc là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi.
Với những thuận lợi như tiềm lực tài chính dồi dào, dân số đông, nhu cầu nhập khẩu cao, tình hình chính trị khá ổn định, có sự hiện diện của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam nên trong những năm tới, Ai Cập và Ma-rốc sẽ tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu khu vực.
Bộ Công Thương thông báo và kính mời các doanh nghiệp quan tâm tới thị trường Ai Cập và Ma-rốc tham gia đoàn công tác nói trên. Doanh nghiệp sẽ được đài thọ chi phí tham dự hội thảo giao thương tại Ai Cập và Ma-rốc. Các chi phí khác bao gồm: tiền vé máy bay khứ hồi, lệ phí visa, tiền ăn ở, xe ô tô đi lại tại nội địa... trong thời gian làm việc tại Ai Cập và Ma-rốc do doanh nghiệp tự chi trả.
Doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ theo địa chỉ: chị Bùi Minh Phúc, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương, số 54, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 0975633345 - 04.22205409. Email: phucbm@moit.gov.vn,
Hoặc chị Nguyễn Quỳnh Chi, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương. Điện thoại 0945118383 – 0422205409. Email: chinq@moit.gov.vn.
Thời hạn đăng ký tham gia Đoàn: Trước ngày 15/10/2014.
Nguồn: Thị trường nước ngoài