Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa tháng 8 sôi động ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong dịp rằm tháng 7. Trong đó, giá một số hàng thực phẩm như: thịt gà, vịt, trứng tăng; các mặt hàng thiết yếu khác nhìn chung không có biến động lớn, riêng nhóm nhiên liệu, năng lượng (gas, xăng dầu) giá giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 8 đạt 242.296 tỷ đồng, tăng 0,14% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ đạt 1.900.388 tỷ đồng, tăng 11,41% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 8 tháng ước tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước.
Về chỉ số CPI, các thành viên Tổ điều hành phân tích: Do sức mua giảm, tồn kho hàng công nghiệp tăng cao và tốc độ tăng tín dụng rất thấp, dẫn đến CPI tháng 8 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước và sau 8 tháng đầu năm, CPI tăng 1,84% so với tháng 12 năm 2013. Đây là mức tăng thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
Liên quan đến CPI, thông thường vào tháng 9, tháng 10, CPI sẽ tăng nhẹ và có những thay đổi lớn vào 2 tháng cuối năm. “CPI tháng 9 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 8, có thể tăng từ 0,3- 0,4%.”- ông Vũ Đức Thắng-Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) dự báo.
Bên cạnh đó, mức lạm phát cả năm cũng được dự báo tăng dưới 5%, có thể từ 4,2- 4,7% nếu như giá dầu thế giới không tăng đột ngột. Ông Phan Sinh- Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, lạm phát tăng từ 4,5- 5% là khó bởi không có tăng trưởng đột biến. Thị trường hàng hóa, nguyên, nhiên liệu thiết yếu thế giới trong tháng tới nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm. Những yếu tố từ phía cung và lo ngại căng thẳng chính trị tại một số khu vực sẽ tiếp tục là các nhân tố chính tác động tới thị trường, trong khi đó biến động giá ở Việt Nam chưa nhiều.
“Lạm phát vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, không thể chủ quan, lơ là kiểm soát lạm phát”- ông Phạm Xuân Hòe- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cảnh báo.
Để thúc đẩy phát triển thị trường, Tổ điều hành kiến nghị: Liên Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT xem xét về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đường xuống 0- 5% trong đàm phán Liên minh hải quan. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ liên quan xem xét kiến nghị của Hiệp hội gas liên quan tới công tác phòng chống chiết nạp gas trái phép. |
Theo Báo Công thương