Do vậy tính đến hết tháng 6 giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 33,3 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 26,5 triệu USD bằng 54,1% so với kế hoạch giảm 1,8% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 6,8 triệu USD tăng 30,9% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ gồm: Công ty Cổ phần lâm nông sản thực phẩm Yên Bái ước đạt kim ngạch 4.236 ngàn USD, bằng 84,7% kế hoạch, tăng 41,5%; Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn ước đạt kim ngạch 346 ngàn USD, bằng 57,7% kế hoạch, tăng 27,7%. Công ty TNHH Thương mại & đầu tư Yên Bình ước đạt kim ngạch 3.222,2 ngàn USD, bằng 81,6% kế hoạch, tăng 6,5%; Công ty TNHH Việt Dũng ước đạt kim ngạch 1.191,3 ngàn USD, bằng 132,4% kế hoạch, tăng 79,5%; Công ty cổ phần Yên Thành ước đạt kim ngạch 566,4 ngàn USD, bằng 125,9% kế hoạch, tăng 108,9%; Bên cạnh đó vẫn có một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh nhưng lại giảm so với cùng kỳ là: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam ước đạt kim ngạch 7.693,6 ngàn USD, bằng 51,3% kế hoạch, giảm 13,3%; Công ty liên doanh YBB ước đạt kim ngạch 3.142,6 YBB ước đạt kim ngạch 3.142,6 ngàn USD, bằng 44,9% kế hoạch, giảm 23,8%; Công ty cổ phần Mông Sơn ước đạt kim ngạch 2.181 ngàn USD, bằng 36,4% kế hoạch, giảm 15,1%;
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào Bột đá cacbonat can xít, đá khối, giấy vàng mã, tinh bột sắn, tinh dầu quế, gỗ keo xẻ thanh, ván ép, đũa gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng, trong đó giá trị kim ngạch mặt hàng khoáng sản xuất khẩu ước đạt 13 triệu USD chiếm 49,3%; tinh bột sắn ước đạt 6 triệu USD chiếm 22,6%; sản phẩm từ gỗ ước đạt giá trị kim ngạch 4,6 triệu USD chiếm 17,3%; Đây cũng là những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của tỉnh và đóng góp nhiều trên tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều mặt hàng khác cũng có lợi thế xuất khẩu như sản phẩm chè, quế vỏ, tinh dầu quế…nhưng lại chưa đóng góp được nhiều vào hoạt động xuất khẩu và đạt giá trị xuất khẩu thấp so với kế hoạch đề ra.
Song song với mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng nhập khẩu có số lượng còn khiêm tốn và chủ yếu là nguyên phụ liệu hàng may mặc, máy móc thiết bị phụ tùng và mặt hàng phân bón. Trong đó mặt hàng phân bón ước đạt 6,4 triệu USD chiếm 95% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, đến hơn 95% hàng hóa của các doanh nghiệp Yên Bái được xuất khẩu sang thị trường Châu Á, trong đó thị trường Trung Quốc xuất khẩu đạt giá trị lớn nhất với 6,7 triệu USD chiếm 25,2%; tiếp theo là thị trường Đài Loan xuất khẩu ước đạt 4 triệu USD chiếm 15,3%; thị trường Ấn Độ chiếm vị trí thứ 3 với 3,87 triệu USD chiếm 14,62%; thị trường Nhật Bản chiếm vị trí thứ 4 với hơn 3,5 triệu USD chiếm 13,3%, ngoài ra là các thị trường khác như Hàn Quốc, Anh, Italy, Bangladesh, Hồng Kông...
Để hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Sở Công Thương đã chỉ đạo cho Trung tâm XTTM tích cực triển khai chương trình xúc tiến thương mại đã được UBND tỉnh phê duyệt trong đó chú trọng đến một số nội dung:
Đối với công tác thông tin, tuyền truyền quảng bá: Hàng tuần Trung tâm XTTM thường xuyên cập nhật các thông tin về doanh nghiệp và nhu cầu chào mua, chào bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, đến thời điểm hiện tại đã có 25/30 doanh nghiệp tham gia thành viên với 160 sản phẩm lên sàn. Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã quan tâm tìm hiểu về sàn và bước đầu đã có một số doanh nghiệp liện hệ để thiết lập quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp trong tỉnh. Để hoạt động XTTM đi vào chiều sâu Trung tâm đang tiến hành thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành đĩa VCD về ngành quế và tinh bột sắn; cẩm nang song ngữ Anh-Việt về ngành Chè, Quế nhằm giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu: Mục đích của hoạt động là xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của tỉnh và từng bước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, gắn kết thị trường trong nước với thị trường quốc tế từ đó tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy trong 6 tháng đầu năm 2014 Sở Công Thương đã tư vấn hỗ trợ được 6 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, 11 doanh nghiệp được ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh và 15 doanh nghiệp tham gia khai báo hải quan điện tử. Ngày 23/5/2014 Bộ Công Thương đã có Quyết định số 4603/QĐ-BCT về việc phê duyệt và công bố danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2013 trong đó Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã được Bộ Công Thương công nhận là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2013. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Đối với hoạt động tìm kiếm thị trường xuất khẩu và xúc tiến cơ hội giao thương quốc tế: Đây là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong kế hoạch xúc tiến thương mại của tỉnh, trong thời gian vừa qua Sở Công Thương đã tích cực chỉ đạo Trung tâm XTTM dựa trên các chương trình XTTM đã được phê duyệt và mối quan hệ với các Vụ, Cục của Bộ Công Thương tìm kiếm, giới thiệu các đối tác uy tín để phát triển thị trường, xây dựng các mối quan hệ và cơ hội hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu Yên Bái. Bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, Trung tâm đã giới thiệu được 01 đoàn doanh nghiệp của tỉnh đi khảo sát thị trường nước ngoài và tiếp đón 04 đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến làm việc với doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè, quế trị giá trên 100.000 USD.
6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, song kết quả đạt được vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013. Để hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh về Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2013-2020, định hướng đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2015 trên 20%; Các doanh nghiệp trong tỉnh cần phải chủ động hơn nữa trong công tác tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ…
Nguồn: Phòng QLTM