Đánh giá tiềm năng xuất khẩu là một trong những hoạt động chính trong giai đoạn khởi động (tháng 6/2013 đến tháng 12/2014) của Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu các các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, Bộ Công Thương quản lý và giao cho Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức Quốc gia điều hành. Hoạt động này nhằm xác định những sản phầm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của quốc gia và khu vực, từ đó Chương trình sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu trong giai đoạn chính (2015- 2017). Báo cáo thực hiện đánh giá tiềm năng xuất khẩu ở 5 ngành hàng là: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ và thủy sản.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: “Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu là hoạt động nghiên cứu đòi hỏi kỹ thuật cao mà từ trước đến nay chúng ta vẫn phải sử dụng chuyên gia quốc tế từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) để thực hiện. Tuy nhiên lần này hoạt động hoàn toàn do đội ngũ chuyên gia trong nước thực hiện. Và theo ý kiến đánh giá từ các chuyên gia, các bộ, ngành và các đơn vị, báo cáo này là sản phẩm có chất lượng tương đương với các nghiên cứu do chuyên gia quốc tế thực hiện.”
Theo đánh giá của báo cáo tiềm năng xuất khẩu quốc gia", nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam là sắn, cà phê, cao su, tiêu và gia vị, mây tre lá, gốm sứ, gỗ và các mặt hàng gỗ mỹ nghệ; ngoài ra còn có cá tra, cá ngừ, tôm, ngành điện- điện tử, dệt may, da giày, du lịch và xuất khẩu lao động. Nhóm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu trung bình gồm: Rau quả, chè, mật ong, nhuyễn thể, điều và các loại hạt khác, lâm sản, máy móc thiết bị, kim khí mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật, dịch vụ vận tải, dịch vụ phần mềm. Lúa gạo, mía đường và một số mặt hàng khác được xếp vào nhóm có tiềm năng xuất khẩu thấp.
Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu như: giá trị gia tăng thấp, chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém, quy hoạch kém… Ngoài ra, những kiến thức hạn chế về thị trường nước ngoài, các vấn đề thương mại quốc tế, thiếu thông tin thị trường cũng là nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu của không ít doanh nghiệp, ngành hàng gặp trở ngại.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, thương mại ngày càng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, hiện chiếm trên 60% GDP. Trong 3 năm gần đây, từ 2011 đến 2013, gia tăng kim ngạch xuất khẩu 3 năm qua gần 20 tỷ USD/năm. Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại mở ra cơ hội xuất khẩu mới cho các mặt hàng. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp chế tạo-chế biến, giảm xuất khẩu thô và nâng cao giá trị gia tăng. Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm mở cửa thị trường. Vì thế, bên cạnh việc tái đánh giá một số mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu tốt, báo cáo đánh giá còn phát hiện các mặt hàng chưa có thống kê xuất khẩu hoặc đã xuất khẩu nhưng với số lượng còn khiêm tốn nhưng có tiềm năng và điều kiện cần thiết để có thể xúc tiến xuất khẩu trong thời gian tới.
Từ những chỉ số đánh giá tiềm năng cho từng mặt hàng, ngành hàng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những đề xuất về hành động ưu tiên của mỗi vùng miền và rộng hơn là của cả quốc gia trong việc khai thác, đẩy mạnh hơn nữa tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử