Bạn đang ở đây

Công nghiệp Chế biến sắn: Vẫn tắc đầu ra

17/07/2014 09:14:07

Sản phẩm tiềm năng

Những năm gần đây, cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi trên 6 vùng trong cả nước với diện tích gần 560.000 ha, đem lại việc làm cho hơn 1,2 triệu người lao động. Từ cây xóa đói giảm nghèo, cây sắn đã trở thành cây hàng hóa và là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu (XK) lớn thứ ba của nước ta, sau gạo và cà phê.

Sắn và các sản phẩm từ sắn đã được Bộ Công Thương đưa vào danh mục 10 mặt hàng XK trên 1 tỷ USD của Việt Nam từ năm 2009. Việt Nam là nước XK lớn thứ hai trên thế giới về sắn và các sản phẩm từ sắn, sau Thái Lan, với 1,35 tỷ USD thu được (năm 2012). Điều này cho thấy, vị trí cây sắn ngày càng được nâng lên, mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, đồng thời là một nguồn thu nhập quan trọng cho người dân.

Theo số liệu của Hiệp hội Sắn Việt Nam, cả nước hiện có 91 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp, 6 nhà máy chế biến cồn. So với 5 năm trước, số lượng nhà máy đã tăng gấp đôi và gấp 3 lần về công suất. Sản xuất tinh bột sắn ở nước ta cho sản lượng từ 1,6 - 2 triệu tấn/năm; trong đó XK 80% và 20% tiêu thụ trong nước. Thị trường XK chủ yếu là Trung Quốc (chiếm trên 85% tổng kim ngạch XK), Đài Loan (4,6%), Philipine (3,8%), Malaysia (3,5%), Indonesia (1,6%)...

Thị trường tinh bột sắn của Việt Nam hiện đang phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc. Một số thị trường khác như Nhật, Hàn Quốc, Nga… XK với khối lượng không đáng kể hoặc đang trong giai đoạn thăm dò. Những thị trường này đặc biệt khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao và nghiêm ngặt với các chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm cao.

Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp

6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã XK 1,760 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 35% so với năm 2012. Ông Phạm Vũ Hà- Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam- cho biết, giao dịch XK tinh bột sắn từ đầu năm đến nay đang trầm lắng do các doanh nghiệp (DN) không thỏa thuận được đầu ra cho các đơn hàng mới. Từ tháng 3/2014, nhiều DN, nhà máy khu vực miền Trung Tây Nguyên phải thuê kho dự trữ tại Quy Nhơn từ 10.000 – 20.000 tấn. Hàng phía Nam ra cảng Hải Phòng cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ước tồn kho tinh bột sắn đến 20/6 khoảng 150.000 tấn, trong đó đơn vị tồn nhiều nhất lên đến trên 20.000 tấn. Cụ thể: Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tồn 27.000 tấn, Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư Fococev Hồ Chí Minh tồn 25.000 tấn, Công ty TNHH Trường Hưng - Tây Ninh tồn 10.000 tấn…

Lý giải việc tồn kho sắn lớn, ông Hà cho rằng, thời gian qua, Trung Quốc chuyển hướng sang mua sắn từ Thái Lan, khiến các nhà máy sản xuất sắn trong nước không bán được. Trước sự ảm đạm kéo dài của thị trường và lượng tồn kho lớn, nhiều DN phải chấp nhận bán lỗ với giá dưới 420 USD/tấn. Hầu hết các nhà máy đã dừng sản xuất tuy chưa hết vụ sắn (dừng sớm 1 tháng so với năm 2013). Các DN thương mại kinh doanh sắn thì gần như phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Sắn Việt Nam xác định, Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu lớn, cần phải duy trì. Tuy nhiên, để thoát khỏi tình trạng “ách tắc” không tìm được đầu ra cho sản phẩm sắn như hiện nay, Hiệp hội Sắn đề nghị nhà nước tiếp tục có chương trình xúc tiến XK sang thị trường Trung Quốc nhằm ổn định thị trường XK nông sản cho các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách về vốn, tài chính ưu đãi với lãi suất thấp cho các DN sản xuất tinh bột sắn trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống xử lý môi trường và tạm trữ hàng tồn kho…

Theo Báo Công thương