Trong xây dựng NTM, xác định xuất phát điểm thấp, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, Đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, lấy chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới vào sản xuất làm khâu đột phá. Hàng năm, xã chỉ đạo cấy hết 100% diện tích canh tác, đưa giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy đại trà ở 85% diện tích, đưa 75% diện tích vào sản xuất cây vụ 3; huy động nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng, sửa chữa các công trình thủy lợi, chủ động tưới tiêu cho toàn bộ diện tích… Nhờ vậy, giá trị 1ha đất canh tác của xã đạt 110 triệu đồng.
Cùng với đó, xã khoanh vùng trên 200ha để làm bãi chăn thả đại gia súc, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn trâu trên 600 con, đàn bò gần 200 con và trên 1.500 con lợn. Cùng với việc phát huy nội lực, để nâng cao thu nhập, 3 năm qua, người dân xã Nghĩa An được tham gia các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong hai năm 2012 và 2013, toàn xã đã có trên 100 hộ được tham gia các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi lợn, gà, thỏ, chăn nuôi đại gia súc, trồng rau an toàn, trồng ớt xuất khẩu, trồng nấm, trồng lúa hàng hóa và cơ giới hóa trong nông nghiệp… với tổng mức đầu tư 500 triệu đồng. Trong đó, có 40 mô hình nuôi thỏ, 51 mô hình nuôi trâu, 4 mô hình nuôi lợn nái, lợn thịt, 1 mô hình nuôi gà quy mô trên 1.000 con và 10 hộ được hỗ trợ máy cày bừa….
Từ nhận thức thay đổi, người dân đã chủ động đăng ký tham gia mô hình, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất đem lại thu nhập mỗi năm từ 50 - 100 triệu đồng. Năm 2012, gia đình anh Chu Văn Quý, thôn Đêu 2 được hỗ trợ 8 triệu đồng mua máy cày bừa, đến nay máy phát huy hiệu quả tốt, đem lại lợi ích cho gia đình. Anh Quý phấn khởi cho biết: “Từ khi có máy, gia đình không những tiết kiệm được người làm mà còn đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Nếu trước đây ruộng của gia đình cày bằng trâu phải mất hơn 1 ngày thì nay chỉ mất có nửa ngày. Làm xong đất của mình, tôi còn làm thuê cho các hộ có nhu cầu trong xã để tăng thêm thu nhập”.
Một trong những mô hình hỗ trợ sản xuất phát huy hiệu quả rõ nét nhất là mô hình chăn nuôi trâu cái sinh sản cho 51 hộ với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ từ 5-7 triệu đồng/con. Đến nay, đàn trâu đã sinh sản được gần 10 con. Anh Chu Văn Toàn thôn Đêu 3 vui mừng cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, tôi thêm 17 triệu nữa mua con trâu 22 triệu về nuôi, cuối năm ngoái nó đã sinh được 1 nghé con khỏe mạnh. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp chúng tôi phát triển kinh tế”.
Là một hộ nghèo, năm 2013 gia đình chị Lường Thị Hươi thôn Đêu 4 được hỗ trợ 7 triệu đồng. Vì không có nhiều tiền nên gia đình chỉ mua được con trâu bé với giá 15 triệu đồng nhưng chị rất vui: “Mua được con trâu là niềm mơ ước của gia đình tôi, nếu không có tiền hỗ trợ thì chúng tôi làm sao mua được. Chắc chỉ cuối năm nay là nhà tôi có thêm 1 con nghé nữa”. Nhờ tham gia các mô hình hỗ trợ sản xuất trong xây dựng NTM mà tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 40,7%. Trong năm 2014, Nghĩa An tiếp tục được hỗ trợ 4 mô hình sản xuất: hỗ trợ máy nông nghiệp, nuôi dê, nuôi cá ruộng, nuôi trâu sinh sản.
Ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Thông qua các mô hình hỗ trợ sản xuất đã giúp bà con nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2014 giảm 7,5% tổng số hộ nghèo trong toàn xã và thu nhập đạt 19 triệu đồng/người/năm”.
Theo lộ trình đề ra, năm 2015 Nghĩa An sẽ là xã đầu tiên đạt xã NTM của thị xã Nghĩa Lộ. Cùng với việc vận động người dân tích cực đầu tư phát huy tốt các mô hình hỗ trợ sản xuất thì xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn: YBĐT