Bạn đang ở đây

Phát triển thương mại miền núi, hải đảo: Xây dựng cơ chế đặc thù

30/06/2014 09:07:19

Đó là đánh giá của ông Hoàng Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi- tTại Hội thảo “Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” do Bộ Công Thương tổ chức.

Tính đến hết tháng 5/2014, trên địa bàn các huyện miền núi, hải đảo có khoảng 3.200 chợ, trung tâm thương mại, 44.000 doanh nghiệp và 95.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của khu vực này đạt 661.000 tỷ đồng. Kết quả đó đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, hải đảo.

Chương trình phát triển thương mại miền núi và hải đảo hướng đến phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm rút ngắn khoảng cách về phát triển thương mại miền núi và hải đảo với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Song, theo đánh giá chung, hoạt động thương mại ở miền núi, hải đảo mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, xăng dầu, vật tư, dụng cụ sản xuất của đồng bào các dân tộc… chưa tạo động lực mạnh để phát huy thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Hiện, Bộ Công Thương đang tích cực lấy ý kiến xây dựng Chương trình Phát triển thương mại miền núi và hải đảo giai đoạn 2015-2020. Theo ông Hoàng Thịnh Lâm- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương)- Ban soạn thảo chương trình cần đưa việc xây dựng các mô hình mẫu trong phát triển thương mại miền núi để hướng dẫn cho người dân, như trong lĩnh vực nông nghiệp có mô hình “hội nghị đầu bờ”, mời chuyên gia khuyến nông ở các địa phương, mời hộ nông dân đến một cánh đồng hướng dẫn cách thức triển khai... hoặc Cục Công nghiệp địa phương xây dựng các mô hình trình trình diễn trong công nghiệp...

Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá dự thảo Chương trình phát triển thương mại miền núi và hải đảo giai đoạn 2015- 2020 đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi mới, hứa hẹn sẽ đem lại sự thay đổi đáng kể cho hoạt động thương mại khu vực miền núi, hải đảo.

Theo Báo Công thương