Bạn đang ở đây

Tạo thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu

23/06/2014 14:45:32

Đó là khẳng định của ông Trần Trung Thực -Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối thương mại tự do châu Âu (AFTA) tại Hội thảo"Tự chứng nhận xuất xứ" do Bộ Công Thương vừa tổ chức hôm 17/6.
TCNXX hiện đang dần trở thành một xu thế khách quan, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và được một số đối tác thương mại của Việt Nam đặt ra trong đàm phán một số hiệp định thương mại tự do. Cơ chế TCNXX đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Singapore, New Zealand, Australia, EU, Mỹ, Canada, Mexico, Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, một số nước Mỹ La - tinh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhiều FTA trên thế giới hiện nay cũng đã áp dụng cơ chế TCNXX ở các mức độ, hình thái khác nhau nhưng về cơ bản đều giống nhau ở điểm là chuyển dịch vụ công này từ cơ quan Chính phủ (hoặc cơ quan được Chính phủ ủy quyền) sang cho khối tư nhân.

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Theo cơ chế này, các cơ quan quản lý Nhà nước tại nước xuất khẩu sẽ không chịu trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc hàng hóa nữa mà các DN xuất khẩu phải tự khai xuất xứ của hàng hóa trên cơ sở các tiêu chí chung. Khi DN xuất khẩu đã được cấp giấy TCNXX hàng hóa sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan chung mà các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển (GSP), ưu đãi thuế quan theo các FTA.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2017, trong phần thủ tục hành chính của Quy tắc xuất xứ mới của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thực hiện một hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ mới dành cho các DN xuất khẩu đã đăng ký vào hệ thống cơ sở dữ liệu do VCCI quản lý, xác minh, kiểm soát. Chỉ những DN xuất khẩu đã đăng ký mới có thể đưa ra Tuyên bố xuất xứ, đây là cơ sở để EC xác định áp dụng chế độ ưu đãi khi làm thủ tục hải quan. Mặc dù việc được cấp giấy TCNXX hàng hóa sẽ tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất khẩu nhưng để được cấp giấy phép lại là điều không hề dễ dàng. Theo cơ chế chứng nhận xuất xứ đang áp dụng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo yêu cầu của DN xuất khẩu. Cơ chế này được cho là có độ tin cậy tương đối cao song trong nhiều trường hợp yêu cầu về chứng từ để chứng minh xuất xứ hàng hóa đã gây ra những cản trở không cần thiết cho DN xuất khẩu dẫn đến tỷ lệ sử dụng TCNXX không cao. Hiện tỷ lệ DN sử dụng ưu đãi xuất xứ  EU của Việt Nam chỉ đạt 53%, đây là một thiệt thòi lớn cho DN.

Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thí điểm cho phép DN hoạt động xuất khẩu vào các thị trường Lào, Indonesia và Philippines được phép TCNXX, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Theo Báo KTĐT