Đây là những vấn đề được quan tâm tại Hội thảo “Giải pháp liên kết xuất nhập khẩu trước thềm ASEAN +” do Hiệp hội Doanh nghiệp (HUBA) phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/5.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn trong nước. Đặc biệt, Việt Nam có 22 mặt hàng, 27 thị trường và 19 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu không ngừng thay đổi theo xu hướng tích cực, giảm dần các mặt hàng dầu thô, khoáng sản… và tăng dần những mặt hàng nông sản chế biến, công nghiệp…
Đáng chú ý hơn là cán cân thương mại của Việt Nam đã dần được cân bằng trong hai năm gần đây.
Tuy nhiên theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu-Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững, trước tiên có thể kể đến là xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào một số nhóm sản phẩm, ngành hàng và thị trường nhất định.
Mặt khác, Việt Nam có thế mạnh trong xuất khẩu về các lĩnh vực nông thủy sản, nhiên liệu… nhưng lại chưa nắm được quyền chủ động về định giá cả thị trường, giá thành sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các vấn đề như công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhóm hàng công nghiệp giá trị gia tăng thấp, nhập siêu từ một số nước tăng nhanh… vẫn chưa có biện pháp giải quyết căn cơ và hiệu quả.
Trong 10 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tăng gấp bốn lần, từ 9 tỷ USD (năm 2003) lên gần 40 tỷ USD (năm 2013).
Riêng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường ASEAN là 18,5 tỷ USD (tăng 6,7% so với năm 2012), kim ngạch nhập khẩu đạt 21,3 tỷ USD (tăng 2,8%).
ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và EU, đồng thời là thị trường quan trọng với nhiều tiềm năng bởi tính năng động và vị trí chiến lược trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên hiện nay kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng tăng chậm lại và doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tối đa các ưu đãi tại thị trường ASEAN.
Theo các chuyên gia với tổng thể nền kinh tế có quy mô lớn và dân số hơn nửa tỷ người, ASEAN có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm kinh tế lớn trên thế giới và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên muốn đạt được kỳ vọng đó, các quốc gia ASEAN sẽ phải tập trung các giải pháp đẩy mạnh tiến trình phát triển cơ chế một cửa, tạo ra một khuôn khổ hợp tác tích hợp giữa cơ quan chính phủ và người sử dụng cuối cùng, bao gồm doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và dịch vụ logistics trong việc lưu chuyển dòng hàng hóa giữa các nước trong khu vực.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch HUBA, để tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các nước thành viên cần liên tục cải cách quy tắc xuất xứ, đưa ra những điều chỉnh cần thiết để thích ứng với những thay đổi trong quy trình sản xuất toàn cầu, hàng hóa phải đáp ứng được những tiêu chí, quy định về xuất xứ mới được hưởng ưu đãi về thuế quan.
Vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập và đối mặt với xu thế mới như tự do hóa đầu tư, thương mại; giảm và xóa bỏ thuế quan; đơn giản hóa thủ tục; hình thành tiêu chuẩn hàng hóa chung…
Trong các năm 2014-2015, doanh nghiệp Việt Nam cần thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là tận dụng bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu với Lào, thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia để đẩy mạnh xuất khẩu.
Khi AEC hình thành vào năm 2015, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, môi trường đầu tư thuận lợi nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức về sức ép hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư…
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Việt Nam cho rằng nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu và hội nhập tốt hơn, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị cho mình những phương thức hiệu quả trong quản lý rủi ro như hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động; nhận thức và đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cũng như vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô, thay đổi chính sách.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cập nhật thông tin và xử lý hiệu quả, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, những lĩnh vực tiềm năng và mới như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng trưởng xanh…/.