Bạn đang ở đây

Những tín hiệu kinh tế từ 4 tháng đầu năm

05/05/2014 08:52:56

Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng/giảm 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước về một số chỉ tiêu chủ yếu như sau. 

Về ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Cán cân thương mại 4 tháng tiếp tục xuất siêu 0,7 tỷ USD, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt được nhiều vượt trội. Quy mô xuất khẩu ước đạt 45,74 tỷ USD, bình quân 1 tháng đạt trên 11,4 tỷ USD, trong đó có mấy tháng đạt trên 12 tỷ USD. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm đạt kỷ lục mới và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu (tăng 16,1% so với tăng 13,7%). Xuất khẩu nông, lâm-thủy sản có sự đột phá đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó, thủy sản đạt 2,2 tỷ USD, tăng 31,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 21%; cà phê đạt 1,65 tỷ USD, tăng 30%; hạt điều 456 triệu USD, tăng 15,7%; hạt tiêu 493 triệu USD, tăng 40,4%... Khu vực kinh tế trong nước đã tăng cao hơn trước. Nhiều mặt hàng, nhiều thị trường đã sớm đạt 1 tỷ USD trở lên.

Nhờ cán cân thương mại có số dư, cộng với nguồn ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam đạt khá (FDI thực hiện đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7%, ODA, kiều hối tăng, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá khi số lượt khách tăng cao…) và quan trọng là tâm lý găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp, dân cư giảm, nên Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ, làm tăng dự trữ ngoại hối (hiện đạt 35 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay).

Cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước không còn bị áp lực lớn như hai năm trước. Tỷ lệ thực hiện quý I năm nay so với dự toán cả năm của tổng thu cao hơn của tổng chi (đạt 24,9% so với đạt 23,1%), trong đó, thu từ dầu thô đạt cao hơn. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của tổng thu cao hơn của tổng chi (tăng 15,9% so với tăng 5,4%), trong đó thu nội địa, thu cân đối từ xuất nhập khẩu còn tăng cao hơn. Do vậy, tỷ lệ bội chi so với dự toán năm (16,5%) thấp hơn tỷ lệ của tổng thu và của tổng chi; tỷ lệ bội chi/GDP quý I là 4,9%, thấp hơn tỷ lệ 5,3% theo dự toán năm.

Lạm phát đã đạt được kết quả tích cực. CPI tháng 4 so với tháng 3 chỉ tăng 0,08%; so với tháng 12/2013 chỉ tăng 0,88% - thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002 đến nay; nếu so với cùng kỳ năm trước tăng 4,46% và bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ tăng 4,73% - đều thấp hơn so với nhiều tháng trước. Lạm phát thấp đã mang lại niềm vui cho những người tiêu dùng, sự an tâm của các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Kết quả của quý I là tín hiệu khả quan để cả năm CPI sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (7%), có thể còn tăng thấp hơn cả 2 năm trước (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%).

Về tăng trưởng kinh tế, mục tiêu năm nay cao hơn năm trước (tăng 5,8% so với tăng 5,42%). Quý I tăng trưởng GDP đã đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước, trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng cao hơn tốc độ chung. Bước sang tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6%, nên tính chung 4 tháng đã tăng cao hơn quý I (5,4% so với 5,1%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo còn tăng cao hơn (7,5%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân thì 4 tháng tăng cao hơn so với con số tương ứng của quý I (5,5% so với 5,1%).

Xu hướng tăng cao lên của công nghiệp, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nếu Chính phủ có giải pháp tích cực, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường, thì khả năng tăng trưởng kinh tế các quý sau sẽ cao lên so với tốc độ tăng của quý I.

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng GDP cao hơn, trong khi thực hiện CPI có thể thấp hơn năm trước, thì các giải pháp trong thời gian tới cần có sự kết hợp khéo léo và đồng bộ, trong đó cần tập trung hơn cho các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP quý I chỉ đạt 28,4%, thấp nhất trong vài chục năm qua. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 4 tháng vẫn còn giảm 0,9% (trong đó Trung ương giảm 0,5%, địa phương giảm 1%). Trong công nghiệp chế biến, tốc độ tăng tiêu thụ thấp hơn tốc độ tăng sản xuất, tốc độ tăng tồn kho cao hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn còn tăng thấp. Cần đẩy mạnh giải quyết các điểm nghẽn về nợ xấu, tiêu thụ, tồn kho, bất động sản và tăng trưởng tín dụng.

Theo Chính phủ