Qua khảo sát thực tế ở nhiều doanh nghiệp, hầu hết người lao động đều có nhu cầu chính đáng tham gia vào tổ chức công đoàn, tuy nhiên do nhiều yếu tố mà chủ sở hữu lao động luôn tìm mọi cách để ... không thành lập! Tính đến ngày 15/12/2013, trên địa bàn tỉnh có 1.547 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 21 doanh nghiệp nhà nước, 1.501 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 25 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới dừng lại ở con số 114 (trong đó doanh nghiệp nhà nước 21, doanh nghiệp ngoài nhà nước 91 và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2).
Nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp không muốn thành lập tổ chức công đoàn, rất dễ lý giải do cùng trong bối cảnh suy thoái kinh tế nên tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Một yếu tố khác, nếu thành lập tổ chức công đoàn ngoài phải đóng phí công đoàn 2% năm, doanh nghiệp còn phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho đoàn viên theo định. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới yếu tố công tác tuyên truyền về luật, chính sách đến người sử dụng lao động và công nhân lao động còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc chế tài và xử lý những doanh nghiệp cố ý không thành lập tổ chức công đoàn còn nhiều vấn đề phải bàn... Vì vậy, người lao động trong các doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn phải chịu thiệt thòi.
Tháng 5 năm nay được chọn là "Tháng Công nhân", với các chủ đề "Công nhân đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" và "Đợt cao điểm về thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở" nên hơn bao giờ hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các địa cần xây dựng chương trình hành động thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” để từng bước có các giải pháp, khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Ngoài ra, các cấp công đoàn trong tỉnh cần chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các chế độ, chính sách mà chủ doanh nghiệp chưa kịp thời triển khai áp dụng đến người lao động để có giải pháp tháo gỡ.
Doanh nghiệp thành lập công đoàn và tổ chức công đoàn, công nhân lao động cùng chung tay đồng hành với doanh nghiệp, có như vậy mới tạo xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Nguồn: YBĐT