Bạn đang ở đây

Vai trò quan trọng hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển

15/04/2014 14:40:19

Cùng với quá trình đổi mới kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể nước ta nói chung, kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái nói riêng đã trải qua nhiều thăng trầm, nổi bật là sự thay thế mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ kém hiệu quả bằng mô hình HTX kiểu mới tự chủ, tự chịu tránh nhiệm.

Qua nhiều thời kỳ, tới nay, kinh tế tập thể đã và đang giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh.

Với dân số gần 80 vạn dân, 80% dân số sống ở nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.154,92 ngàn đồng/tháng (số liệu năm 2012), lựa chọn mô hình kinh tế HTX là một tất yếu khách quan.

Mô hình HTX là sự liên kết những người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để hợp sức, chung vốn tạo điều kiện thuận lợi, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Liên kết hợp tác kinh doanh, chia sẻ nguồn lực, lợi tức, kinh nghiệm, tạo nên mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên hỗ trợ tương trợ lẫn nhau. Quan hệ kinh tế luôn được gắn liền với các quan hệ xã hội của xã viên, có xu hướng liên kết cộng đồng cùng phát triển vì một mục tiêu chung.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 331 HTX, trong đó phân theo lĩnh vực hoạt động, có 132 HTX nông, lâm nghiệp, chiếm 39,8%; 130 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chiếm 39,2%; 8 HTX xây dựng; 17 HTX thương mại; 17 quỹ tín dụng nhân dân và một số mô hình HTX khác. Phân theo địa bàn, có 140/180 xã, phường, thị trấn có HTX (chiếm 77,8%), cụ thể: thành phố Yên Bái có 46 HTX, huyện Văn Chấn 71 HTX, thị xã Nghĩa Lộ 10 HTX, huyện Lục Yên 37 HTX, huyện Trấn Yên 27 HTX, huyện Văn Yên 56 HTX, huyện Yên Bình 49 HTX, huyện Trạm Tấu 12 HTX, huyện Mù Cang Chải 23 HTX.

Tình hình hoạt động của các HTX về cơ bản đã thể hiện các tính chất, nguyên tắc và giá trị của HTX. Quá trình thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Các HTX xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, đại hội xã viên được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, mỗi xã viên một phiếu bầu. Quan hệ giữa HTX và xã viên bình đẳng, dân chủ, tự nguyện và cùng có lợi. Trừ mô hình quỹ tín dụng nhân dân thành lập riêng bộ máy quản lý và bộ máy điều hành, còn lại các mô hình khác một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành, trưởng ban quản trị đồng thời là chủ nhiệm HTX.

Tổng số cán bộ quản lý HTX hiện có 1.189 người (trình độ đại học, cao đẳng có 61 người, chiếm 5,1%; trung cấp 524 người, chiếm 44,1%). Cán bộ quản lý nhìn chung tâm huyết, nhiệt tình. Số cán bộ HTX hầu hết trình độ chuyên môn và quản lý hạn chế nhưng nhạy bén và có kinh nghiệm điều hành. Tuy nhiên, số cán bộ có trình độ quản lý đáp ứng với yêu cầu thực tế không nhiều.

Số lượng xã viên HTX khá đa dạng, bình quân có từ 30 - 60 xã viên và 20 - 40 lao động/HTX. Một số HTX nông nghiệp chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 1996 có quy mô toàn xã với trên 1.000 xã viên (HTX Phù Nham, Nghĩa An, Tân Lĩnh). Các quỹ tín dụng nhân dân bình quân có 1.146 thành viên. Xã viên và người lao động chủ yếu là người địa phương. Số lao động đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên khoảng 3%. Lao động chủ yếu là thủ công với hình thức truyền nghề từ gia đình, một số được đào tạo thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước.

Quy mô vốn điều lệ HTX có tăng qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp. Bình quân vốn điều lệ HTX nông nghiệp là 400 triệu đồng, HTX phi nông nghiệp 600 triệu đồng, các quỹ tín dụng nhân dân 1.123 triệu đồng. Quy mô vốn hoạt động các HTX gần đây tăng mạnh, bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/HTX.

Trình độ sản xuất của các HTX hầu hết thấp, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc lạc hậu. Gần đây, có một số HTX sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai thác vật liệu đã đầu tư máy móc tương đối hiện đại (HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận - Văn Chấn, HTX Vận tải Yên Ninh - thành phố Yên Bái...).

Ở một số vùng sâu, vùng xa đã thành lập HTX. Nhiều HTX có xã viên và người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có những HTX 100% là đồng bào dân tộc thiểu số (HTX Dịch vụ tổng hợp Nghĩa An - thị xã Nghĩa Lộ, HTX Dịch vụ tổng hợp Hát Lừu - huyện Trạm Tấu).

Xu hướng liên doanh, liên kết, mở rộng hợp tác giữa các HTX với các thành phần kinh tế đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Qua liên doanh, liên kết, nhiều HTX tìm được thị trường mới, tiếp thu khoa học, đầu tư công nghệ tiên tiến, tạo ra những sản phẩm có chất lượng: phân nén dúi sâu của HTX Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), Phù Nham (Văn Chấn); tinh dầu quế của HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (Văn Yên), HTX 6/12 Đào Thịnh (Trấn Yên); than sinh học của HTX Vương Giang (Văn Chấn)...

Khu vực kinh tế tập thể đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo trong nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các HTX: doanh thu đạt 799,6 tỷ đồng (tăng gấp 6 lần so với năm 2004). Năm 2013, các HTX nộp ngân sách trên 17,7 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước.

Hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phát triển, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình dự án. Ngay sau khi Luật HTX năm 1996 ra đời, tỉnh đã tổ chức triển khai quán triệt tới các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp xã, hướng dẫn các HTX thực hiện chuyển đổi theo luật; thành lập Hội đồng Lâm thời Liên minh các HTX là đầu mối để hỗ trợ khu vực HTX.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng Chương trình hành động số 15 để cụ thể hóa Nghị quyết vào tình hình cụ thể tại địa phương, định kì có sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và tìm giải pháp khắc phục trong giai đoạn tiếp theo.

Gần đây nhất, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ Liên minh HTX và khu vực kinh tế tập thể như: Quyết định số 31/QĐ-UBND năm 2004 về Quy chế phối hợp giữa Liên minh HTX với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố; Quyết định số 631/QĐ-UBND năm 2006 về thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Chỉ thị số 22/CT-UBND năm 2007 về củng cố HTX yếu kém; Quyết định số 667/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển HTX tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 535/QĐ-UBND năm 2010 về việc phê duyệt Dự án Phát triển phong trào HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2012 do Trung tâm HTX Thụy Điển tài trợ; Quyết định số 471/QĐ-UBND năm 2011 về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái; Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 3/1/2014 về kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái; Văn bản số 377/UBND-TH ngày 21/3/2014 về việc thực hiện hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể năm 2014.

Trải qua 4 kỳ đại hội, đội ngũ cán bộ Liên minh HTX ngày càng trưởng thành về kiến thức chuyên môn và kĩ năng hoạt động thực tiễn; luôn bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh các định hướng hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam; tham mưu cho tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, định kì sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo cho giai đoạn tiếp theo.

Công tác tuyên truyền đã được thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: chủ động xây dựng Bản tin Kinh tế hợp tác, xây dựng website để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với HTX và giới thiệu mô hình, gương điển hình của lĩnh vực kinh tế HTX. Đồng thời biết khai thác các kênh thông tin khác để tuyên truyền, góp phần dần làm thay đổi nhận thức của nhân dân về mô hình kinh tế HTX. Liên minh HTX là nòng cốt trong việc triển khai thực hiện Luật HTX năm 1996, năm 2003 và Luật HTX năm 2012.

Với chức năng tư vấn, hỗ trợ cho thành viên, Liên minh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh làm tốt công tác thẩm định các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ cho gần 100 lượt HTX vay vốn đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất với tổng số vốn luân chuyển trên 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Liên minh tư vấn, hướng dẫn các HTX tiếp cận các ngân hàng thương mại vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hiện dư nợ của các HTX đạt 60 tỷ đồng.

Xác định cán bộ là gốc của công việc và của mọi tổ chức, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng Đề án đào tạo cán bộ HTX. Công tác đào cán bộ HTX ngày càng đổi mới cả về hình thức và nội dung đào tạo, thay bằng việc đào tạo theo giáo trình cứng nhắc về nội dung, Liên minh HTX tỉnh đã khảo sát nhu cầu của người học, liên kết với các trường đào tạo, các cán bộ làm công tác chuyên ngành mà HTX  cần với phương thức "cầm tay chỉ việc".

Từ năm 2003 đến năm 2013, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức được hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho chủ nhiệm, kế toán trưởng, cán bộ nghiệp vụ HTX với gần 4.000 lượt người tham gia. Bên cạnh nguồn kinh phí do Chính phủ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, Liên minh còn vận động các trường, các trung tâm thuộc Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành liên kết mở các lớp đào tạo nghề cho trên 6.600 lượt thành viên và người lao động trong các HTX về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chế biến chè, chế biến gỗ...

Hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm cho các đơn vị thành viên đã được Liên minh HTX tỉnh quan tâm. Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh tổ chức cho các đơn vị thành viên tham gia các hội chợ trong tỉnh và khu vực đồng thời tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, tạo cơ hội cho các thành viên tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp khác ở ngoài tỉnh; giới thiệu cho các đơn vị thành viên được hỗ trợ từ các chương trình như: hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong, máy tách cẫng chè, hỗ trợ giống và phân bón, cải tạo đàn bò, lợn giống... với số kinh phí hàng chục tỷ đồng; hướng dẫn một số HTX dịch vụ nông nghiệp tiếp cận các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư trong và ngoài tỉnh để cung ứng cho các hộ dân hàng ngàn tấn phân bón, giống lúa mới, giống ngô lai...

 Nhiều đơn vị thành viên Liên minh HTX tỉnh đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm và được công nhận hàng hóa đảm bảo chất lượng, tiêu biểu như: thương hiệu chè Hương Lý của HTX sản xuất, chế biến chè Hương Lý; thương hiệu chè tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng; thương hiệu Trà Tân Thịnh của HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh...

Với chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã kịp thời tổng hợp kiến nghị của các HTX, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các HTX và doanh nghiệp thành viên hoạt động.

Thông qua các chương trình phối hợp, Liên minh đã ký kết với 18 sở, ban, ngành, đoàn thể và công tác tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, tham gia xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển HTX nhận được sự đồng thuận cao. Đồng thời, Liên minh phối hợp với cấp ủy, chính quyền của 11 xã được tỉnh và các huyện, thị, thành phố lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, rà soát, nắm tình hình thực hiện tiêu chí thứ 13 về xây dựng nông thôn mới và có phương án tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thành lập mới HTX, tìm giải pháp củng cố các HTX hiện có trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Có thể nói, qua 20 năm xây dựng và hoạt động, Liên minh HTX tỉnh đã có đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX tỉnh Yên Bái, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các HTX và thành viên phát triển.

Đến nay, Liên minh đã thu hút được 358 đơn vị, trong đó có 261 HTX và 97 doanh nghiệp thành viên. Ghi nhận những kết quả mà Liên minh HTX tỉnh đạt được, Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái, Liên minh HTX Việt Nam... cho các tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến vì sự nghiệp phát triển HTX.

Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, Kết luận 56 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, góp phần đạt được mục tiêu chung của khu vực kinh tế tập thể giai đoạn 2013 - 2018; khắc phục những tồn tại, yếu kém hiện nay trong tổ chức và hoạt động của các hình thức kinh tế tập thể trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, giá trị của HTX và các quy định của pháp luật.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh tin tưởng rằng, với lòng quyết tâm, sự cầu thị và tinh thần đoàn kết cao, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và các thành viên sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong thời gian tới, cùng toàn Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ năm 2014, góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân.

Nguồn: YBĐT