Tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như thu mua nông sản của thương lái nước ngoài, xuất khẩu lậu khoáng sản, điều hành giá xăng dầu...
Quản chặt thương lái nước ngoài
Trả lời chất vấn trước UBTV Quốc hội, liên quan đến thương lái nước ngoài mua bán trái phép nông sản hàng hóa thị trường trong nước ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng, nhất là có thể các DN trong nước thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng trong những năm vừa qua đã xuất hiện hiện tượng thương nhân, thương lái nước ngoài thu mua nông sản, thủy sản... tại Việt Nam. Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã phối hợp với Bộ NN- PTNT và các cơ quan liên quan để nắm tình hình và có các giải pháp cụ thể.
Liên quan đến giải pháp đối với tình trạng thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua nông, lâm sản trái phép trên địa bàn; Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý để quản chặt nhưng không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại bình thường trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời, sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến cho bà con, thống nhất biện pháp định hướng cho người nông dân; nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ thừa hành công vụ…
Đến 2015, cơ bản không còn xuất lậu khoáng sản
Chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước củaBộ Công Thương trước tình trạng khai thác và xuất khẩu lậu khoáng sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Việt Nam có nhiều loại kháng sản, nhưng khoáng sản có trữ lượng lớn không nhiều, chỉ ở một số địa bàn xa xôi, khó quản lý.
Những năm qua, khai thác và xuất khẩu lậu khoáng sản diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống bà con khu vực có mỏ khoáng sản, vì khai thác bừa bãi, không quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, gây thất thu cho nhà nước và có thể gây thiếu nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tháng 2/2012, Chính phủ đã ban hành nghị quyết (NQ 02) siết chặt khâu này theo tinh thần sử dụng tiết kiệm khoáng sản, tiến tới chấm dứt xuất khẩu thô (trừ than và dầu khí). Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp còn tồn đọng một số khoáng sản đã khai thác, nên 4 tháng sau khi NQ 02 có hiệu lực, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp và địa phương, Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu nốt số khoáng sản tồn đọng với sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng và ưu tiên nhu cầu trong nước. Hiện nay, tình trạng xuất khẩu thô khoáng sản đã dần dần được khắc phục, số lượng xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch đều giảm, dù chưa chấm dứt được hoàn toàn; Bộ vẫn đang phối hợp với các địa phương, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi pham.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, dù Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhưng vẫn chưa hạn chế được hoàn toàn tình hình xuất lậu khoáng sản tại một số địa phương.
“Tôi xin nhận trách nhiệm với tư cách cơ quan quản lý nhà nước dù đã làm nhưng chưa triệt dể. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định để đến năm 2015 cơ bản không xảy ra xuất lậu khoáng sản” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Sớm có Nghị định khắc phục bất cập điều hành giá xăng dầu
Bày tỏ quan tâm đến sự công khai minh bạch trong việc điều hành giá xăng dầu, đại biểu Đồng Nai chất vấn: “Bộ trưởng trả lời từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là sẽ sớm hoàn thiện Nghị định khắc phục bất cập điều hành giá xăng dầu nhằm đảm bảo công khai minh bạch, nhưng đến nay chưa có; vì sao chậm, trách nhiệm thuộc về ai?".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, lúc đầu dự kiến chỉ sửa một số điều của Nghị định 84, nhưng sau đó Chính phủ thấy cần thiết phải thay Nghị định này bằng một Nghị định mới hoàn toàn. Tháng 1/2014 Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định mới, xin ý kiến thành viên chính phủ. Tuy nhiên, có 2/26 ý kiến còn phân vân về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chúng tôi đang giải trình làm rõ, nếu như đạt được đồng thuận thì Nghị định mới sẽ sớm được ban hành. Đồng thời Bộ cũng đã dự thảo Thông tư để khi nghị định ban hành sẽ thực hiện được ngay.
Theo VCCI