Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ vừa dẫn nhận định của bà Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC, cho biết: Việt Nam đang tận dụng được nhiều lợi thế từ hình hình chung trong khu vực.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực (Ảnh: WSJ) |
Với chi phí nhân công thấp, Việt Nam đã thu hút được các nhà sản xuất, đầu tư đang tìm kiếm địa điểm kinh doanh rẻ hơn nước láng giềng Trung Quốc, nơi chi phí nhân công đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, chất lượng dân số tại Việt Nam đang trên đà cải thiện với tỷ lệ dân số biết chữ ở mức cao so với mặt bằng chung, tăng tiềm năng tạo ra một tầng lớp lao động có kỹ năng.
Nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây do chính sách tiền tệ được thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát đã vượt mốc 20%. Điều này đã nâng tầm quan trọng của lĩnh vực xuất khẩu trong tăng trưởng kinh tế. Có thể nhìn thấy ví dụ điển hình là các nhà đầu tư khổng lồ như Intel, Samsung và nhiều tập đoàn khác mạnh tay đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng hàng điện tử toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Devika Mehndiratta của Ngân hàng ANZ nhận định, xuất khẩu Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ hai xu hướng từ thị trường đồ điện tử, một là tỷ trọng xuất sang Trung Quốc chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu và không thay đổi mặc dù nền kinh tế quốc gia này đang có dấu hiệu suy thoái.
Xu hướng thứ hai đến từ thị trường Mỹ, nơi kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử gần như không đổi trong năm 2013 và thiết bị viễn thông vẫn là phân khúc tăng trưởng đều, trong khi lĩnh vực thiết bị di động lại là một điểm mạnh của Việt Nam. Thị trường Mỹ chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, là mức lớn nhất so với các quốc gia châu Á.
“Việt Nam đang có cơ hội đối với phân khúc đồ điện tử. Trong 5-6 năm qua, nền công nghiệp này đã đi từ con số 0 phát triển lên mạnh mẽ”, bà Mehndiratta cho biết. Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử tăng gần 68% trong năm 2012 và 35% trong năm 2013. Xuất khẩu điện thoại tăng lần lượt 85% và 67% trong 2 năm.
Để duy trì được những con số ấn tượng và khả quan này là một nhiệm vụ khá khó khăn. Theo đó, trước mắt Việt Nam cần phải vượt qua được các thách thức như giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, một công việc sẽ tốn rất nhiều năm để hoàn thành và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là sẽ chiếm được thị phần xuất khẩu lớn hơn nữa khi các nhà sản xuất nước ngoài thúc đẩy việc tìm kiếm địa điểm sản xuất thay cho Trung Quốc. Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của HSBC cho thấy sản lượng công nghiệp tăng lên trong khi hàng tồn kho ở mức thấp. HSBC dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2014./.
Theo VOV