Bạn đang ở đây

Điểm tin kinh tế,tài chính, thương mại ngày 27/3/2014

27/03/2014 15:32:37

Theo Bộ KH&ĐT, trong tháng 3, cả nước cso 7.487 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ý 35.081 tỷ đồng, tăng 87% về số doanh nghiệp và tăng 82,9% về số vốn đăng ký so với tháng 2.

Tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 4.358 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với tháng 2.

Tính chung, quý I/2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. So với quý I/2013, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký lần lượt tăng 8,9% và tăng 3,6%.

Quý I/2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đang ký tạm ngừng hoạt động hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động trong quý I.2014 là 4.622 doanh nghiệp,tang 48,9% so với quý IV/2013.

EU vẫn tăng thêm viện trợ phát triển cho Việt Nam

Giám đốc cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu (EEAS) David O’Sullivan cho biết trong bối cảnh kinh tế EU còn nhiều khó khăn và phải giảm viện trợ cho nhiều nước, EU vẫn tăng thêm viện trợ phát triển cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 lên 400 triệu euro (so với 298 triệu euro giai đoạn 2007-2013).

Trong buổi tiếp xúc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội ngày 26/3 nhân dịp tham vấn chính trị Việt Nam-EU cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ ba (25/3/2014) và cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-EU lần thứ chín (26/3/2014), ông David O’Sullivan đã báo cáo Phó Thủ tướng về kết quả tham vấn chính trị và cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-EU.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU; đánh giá cao sự giúp đỡ của EU dành cho Việt Nam trong thời gian qua; đặc biệt cám ơn EU cam kết tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng nêu ba đề xuất của Việt Nam đối với EU gồm mong muốn EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU để tạo khung pháp lý cho quan hệ hai bên; hai bên phối hợp thúc đẩy đàm phán Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) để có thể kết thúc đàm phán vào tháng 10/2014 và EU sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam không muộn hơn thời điểm kết thúc đàm phán EVFTA.

Xuất khẩu nông sản 3 tháng đạt 6,9 tỷ USD

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3 ước đạt 2,64 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu nhóm hàng này 3 tháng đầu năm lên 6,9 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 3,35 tỷ USD, giảm 1,8%; xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,61 tỷ USD, tăng 35%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,47 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2013.

GDP quý I tăng 4,9%, cao nhất trong 3 năm

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý 1 năm 2014 tăng 4,96%; trong đó khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Đây là mức tăng GDP quý 1 cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm qua (quý 1 năm 2012 tăng 4,75% và quý 1 năm 2013 tăng 4,76%).

Quý I, sản xuất công nghiệp tăng 5,2%

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý I/2014 tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 4,9% cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong quý 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2% và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,7%, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,9%.

Đóng góp vào mức tăng chung 5,2% của 3 tháng đầu năm 2014, ngành khai khoáng đóng góp -,06 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện 0,6 điểm % và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải 0,1 điểm %.

Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giảm tốc là xu hướng cho tương lai, khi công nghiệp hướng dẫn sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, đảm bảo khai thác bền vững lâu dài nguồn tài nguyên.

Chỉ số tiêu thụ tăng 4,3%

Theo Vụ Tống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng năm 2014 so cùng kỳ năm trước tăng 4,3%.

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng đầu năm 2014 tăng cao như sản xuất thiết bị điện tăng 29,8%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 19,5%, sản xuất xe có động cơ tăng 16,6%...

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp thời điểm 1/3 tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước (trong khi chỉ số tồn kho thời điểm 1/3/2013 tăng 16,5% so cùng thời điểm năm 2012). Trong đó, các ngành có tỷ lệ tồn kho thời điểm 1/3 cao, gồm: Sản xuất kim loại tăng 126,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 62,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 61,4%...

Giá than bán cho điện tăng

Theo tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ ngày 1-1-2014, giá than bán cho điện đã được điều chỉnh theo giá thị trường với mức tăng từ 4-10% tùy từng loại than. 

Theo đó, giá than bán cho ngành điện trong thời điểm hiện nay đã đủ bù chi phí sản xuất, TKV không phải bù lỗ sau lần điều chỉnh giá này. Tuy nhiên, giá than tăng đã làm tăng chi phí cho các nhà máy nhiệt điện, tạo nên áp lực tăng giá điện. Theo quy định hiện hành, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7-10% so với giá bán hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá bán sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương. 

Từ 1/4: Vận hành chính thức hệ thống VNACCS/VCIS

Ngày 01/4/2014, Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc.

Hệ thống VNACCS/VCIS được xây dựng trên nền công nghệ của hệ thống NACCS/CIS của Nhật Bản có nhiều điểm mới và thay đổi so với hệ thống thông quan điện tử (e-Customs) hiện tại như: Chức năng tính thuế tự động được hoàn thiện; rút ngắn thời gian làm thủ tục bằng cơ chế phân luồng tự động do Hệ thống VNACCS/VCIS được áp dụng ở nhiều khâu (quản lý hàng đi/đến tại cảng, quản lý bản lược khai hàng hóa Manifest, quản lý tờ khai và hồ sơ hải quan…); tăng cường kết nối giữa các Bộ, ngành thông qua cơ chế một cửa quốc gia (NSW); lấy thông tin của dữ liệu đã đăng ký (như vận đơn, Manifest, hóa đơn) để khai báo XNK; thực hiện đăng ký khai báo trước; quản lý hàng tạm nhập tái xuất…

Ngoài việc giảm thiểu sai sót, hệ thống có tốc độ xử lí nhanh chóng, chỉ sau 2-3 giây khai báo, doanh nghiệp đã nhận được kết quả phản hồi (đối với tờ khai thuộc luồng xanh) để thực hiện nghĩa vụ về thuế (nếu có) và đi lấy hàng ngay. Mức độ ổn định của hệ thống lên tới 99,8%.

Doanh nghiệp mới được áp dụng phương pháp khấu trừ

Ngày 26-3, thứ trưởng Bộ Tài chính - đã ký công văn trả lời Cục Thuế TP.HCM về việc áp dụng phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo chung tất cả các cục thuế như sau: Đối với các doanh nghiệp thành lập từ ngày 1-1 đến 28-2 vẫn áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Đối với các doanh nghiệp có tài sản cố định từ 1 tỉ đồng trở lên (trừ ôtô dưới chín chỗ), thành lập sau thời gian trên được kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Những doanh nghiệp mới thành lập không đủ điều kiện buộc phải kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp - nghĩa là không được khấu trừ thuế đầu vào, đồng thời phải nộp thuế giá trị gia tăng theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu.

Long An giao thu mua 198.000 tấn lúa tạm trữ

Sở Công Thương tỉnh Long An vừa tổ chức triển khai kế hoạch mua tạm trữ lúa vụ Đông Xuân năm 2013-2014.

Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam giao chỉ tiêu cho 16 doanh nghiệp trên địa bàn Long An thu mua tạm trữ 99.000 tấn quy gạo, tương đương 198.000 tấn quy lúa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai hệ thống mua lúa, điểm thu mua, công khai giá mua, hàng ngày phải thông báo giá thu mua nhập kho... nhằm giúp nông dân dễ tiếp cận thông tin và bán được giá cao hơn.

Cùng ngày Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An chỉ định 15 ngân hàng cho vay mua tạm trữ lúa, gạo…

Theo Vinanet