Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Trưởng Ban chỉ đạo chương trình - khẳng định: "Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động đến kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Ngay từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ Việt Nam quản lý tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Hưởng ứng lời đề nghị của Chính phủ Việt Nam, bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) đã tài trợ Chương trình B-WTO, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam quản lý hội nhập kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường trong giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập WTO".
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Trong quá trình thực hiện, không chỉ có các kết quả, thành công mà cũng còn nhiều nội dung đáng để học hỏi, nhiều bài học đã được rút ra. Đây sẽ là những kinh nghiệm quí báu cho các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong tương lai. |
Giai đoạn I của chương trình (từ tháng 1/2007 – 3/2008) đã hỗ trợ việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình hành động của bộ, ngành, địa phương cũng như thử nghiệm cơ chế triển khai Quỹ Tín thác đa biên, nhằm trợ giúp việc triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ.
Giai đoạn II của chương trình (từ tháng 9/2009 – 3/2014) nhằm thực hiện các hành động chính sách ưu tiên trong Chương trình Hành động của Chính phủ. Trong giai đoạn II, chương trình đã tài trợ 48 dự án.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, các hỗ trợ của giai đoạn hai của Chương trình B-WTO đã giúp cho việc tiếp cận và học hỏi các kinh nghiệm quốc tế, góp phần đẩy nhanh và nâng cao chất lượng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường sự tham gia của cơ quan hữu quan, của người dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy việc chia sẻ, phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá.
7 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO là một chặng đường không dài nhưng hết sức quan trọng của tiến trình hội nhập quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Trong khoảng thời gian đó, Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập WTO đã có những đóng góp ý nghĩa cho tiến trình này: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế, phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung hỗ trợ của giai đoạn II đã bám sát ưu tiên của Chính phủ, hoàn thành mục tiêu ngắn hạn, tạo cơ sở để hoàn thành mục tiêu dài hạn Tăng cường năng lực của Chính phủ quản lý hội nhập Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và chuyển đổi Việt Nam sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Báo Công Thương