Bạn đang ở đây

Mừng, lo CPI tăng thấp

13/02/2014 09:59:00

Mức tăng 0,69% được coi là khá thấp bởi tháng 1/2014 được kỳ vọng giá cả sẽ tăng cao do trong tháng có các ngày nghỉ lễ, tạo đà tăng giá như Noel, Tết Dương lịch và nhất là thời điểm cận kề với Tết Giáp Ngọ. Nếu không có việc tăng giá xăng dầu, giá bán lẻ gas, chắc chắn CPI sẽ còn tăng thấp hơn nữa.

CPI tăng thấp vừa là điều mừng, vì CPI được coi là chiếc “phong vũ biểu” của lạm phát. Khi CPI tăng cao, tức là lạm phát sẽ nhanh chóng xảy ra, có tác hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế. Điều đó chúng ta đã “nếm trải đủ” từ năm 2008- 2012. CPI tăng thấp, khả năng xảy ra lạm phát sẽ rất nhỏ, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định.

Tuy nhiên, cũng có nỗi lo. Đó là CPI tăng thấp cho thấy sức mua của thị trường, hay tổng cầu, giảm sút và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ vẫn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp (DN).

Ai cũng biết, DN không thể tồn tại được nếu không có thị trường đủ mạnh. Song, dung lượng thị trường lại phụ thuộc vào tổng cầu của nền kinh tế. Kết thúc năm 2013, tổng cầu của nền kinh tế rất yếu. Bởi lẽ, vốn đầu tư- một bộ phận quan trọng của tổng cầu, yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế- lại giảm sâu.

Vốn đầu tư/GDP năm 2013 khoảng 29%, giảm thấp, trong đó, đáng quan tâm là đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ khu vực tư nhân giảm khá nhiều.

Vốn đầu tư/GDP bình quân thời kỳ 2006- 2010 ở mức 39,2%, được coi là quá cao, thể hiện tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư, nhưng hiệu ứng phụ là gây bất ổn vĩ mô. Vốn đầu tư/GDP bình quân thời kỳ 2011- 2012 là 31,8%, cũng cao. Chỉ tiêu vốn đầu tư/GDP năm 2013 ước thực hiện khoảng 29%, được coi là giảm nhanh xuống mức thấp, trong đó, đáng quan tâm là đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ khu vực tư nhân giảm khá nhiều.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng 12,3%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng thì tăng chưa đến 5,1%, thấp xa so với tốc độ tăng bình quân của thời kỳ 2001- 2010 (12,9%/năm) và thấp hơn tốc độ tăng bình quân của thời kỳ 2011- 2012 (gần 5,5%/năm).

Giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế qua chỉ tiêu GDP và kiềm chế lạm phát qua chỉ tiêu CPI luôn có vận động ngược chiều nhau. Do đó, nếu quá chú ý tới tăng trưởng kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến lạm phát. Song, nếu quá tập trung vào kiềm chế lạm phát, nền kinh tế sẽ trì trệ, tổng cầu giảm, DN sẽ không có thị trường tiêu thụ, khó có thể tồn tại và phát triển.

“Di sản” của năm 2013 để lại quá lớn. Từ năm 2009 đến nay, số lượng các DN phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên: Năm 2009, 4.000 DN; năm 2010, 40.000 DN; năm 2011, 53.000 DN; năm 2012, 54.000 DN và năm 2013 lên tới 60.737 DN. Rất nhiều DN tưởng đã qua cơn bĩ cực khi trụ được trong sóng gió của mấy năm qua, nay đã buông xuôi. Điều đó cho thấy vốn trong dân và niềm tin kinh doanh đã cạn.

Đã có những ý kiến cho rằng, năm 2013, chúng ta kiềm chế được lạm phát không phải do kết quả của việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, mà ngược lại, đó là kết quả tất yếu của một nền kinh tế có tổng cầu quá yếu. Vì vậy, rất cần nghiên cứu, ban hành ngay những chính sách làm tăng tổng cầu, ngăn chặn “làn sóng” ra đi của các DN. Nguyên tắc tối quan trọng lại là tăng tổng cầu, hay còn gọi là “kích cầu”, nhưng không được để lạm phát xảy ra. Đó là điều không dễ và đòi hỏi việc điều hành nền kinh tế phải trở thành “nghệ thuật cao”!

Theo Báo Công Thương