Bạn đang ở đây

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2014: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động để đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế

13/01/2014 13:51:38

Điểm sáng của nền kinh tế

Tại Hội nghị, báo cáo tổng kết kết quả hoạt động năm 2013 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã điểm lại những thành tích nổi bật của ngành Công Thương, cũng chính là điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Điều này được thể hiện rõ qua sự tăng trưởng của các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, v.v…

Sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, chỉ số hàng tồn kho cũng đã giảm dần qua các tháng.

Trong khi đó, thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm đã góp phần hạn chế tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đã giảm đáng kể.

Năm 2013 cũng ghi nhận những kết quả nổi bật của lĩnh vực xuất khẩu. Là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu kể từ năm 2007 sau khi gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2012, xuất siêu 863 triệu USD. Điểm đáng chú ý là xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần.

Đây cũng là năm ghi nhận sự sôi động của hoạt động hội nhập kinh tế. Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đã tích cực tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng, các Hiệp định khu vực thương mại tự do FTA, tăng cường trao đổi hợp tác trong khối ASEAN, APEC, WTO và các tổ chức quốc tế khác.

Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường

Bước sang năm 2014, dự báo kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi tích cực hơn, song vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Từ những kết quả đã đạt được, ngành Công Thương cần phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động để đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí tán thành phần trình bày báo cáo chung của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Với từng lĩnh vực cụ thể, các đại biểu cũng đã có những kiến nghị, đề xuất để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của từng lĩnh vực nói riêng và của cả ngành Công Thương nói chung.

Theo ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong năm 2014 và những năm tới, lợi thế của Việt Nam sẽ rất lớn nếu đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP. Do đó, trọng tâm chiến lược của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đầu tư cho sản xuất nguyên liệu. Tuy nhiên, khối FDI có tốc độ đầu tư rất cao trong 2 năm qua với tổng số tiền đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD, tập trung phần lớn vào sản xuất nguyên liệu. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thiếu hụt cả tiềm lực tài chính, khả năng thu xếp vốn, liên kết với nhà sản xuất thiết bị, v.v… Điều này dẫn đến, các doanh nghiệp dệt may trong nước không tận dụng được những lợi thế do TPP mang lại. Vì vậy theo ông Trần Quang Nghị, Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch ngành Dệt May Việt nam đến năm 2030, đảm bảo quy hoạch thực hiện nghiêm túc, phát triển bền vững và tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại; Nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, theo ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu từ nuôi trồng, do đó cần chú trọng đến các giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm trong hoàn cảnh các doanh nghiệp còn rất khó khăn. Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng các cơ quan quản lý cần hỗ trợ hơn nữa doanh nghiệp trong các vấn đề tranh chấp thương mại ngày càng phức tạp và cải cách các thủ tục hành chính để tiết giảm chi phí sản xuất, góp phần nân cao sức cạnh tranh cho mặt hàng này.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành Công Thương đã đề ra các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2014 - 2015. Theo đó:

Trước hết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, phấn đấu từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp. Nâng cao ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 145, 4 tỷ USD, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 154 tỷ USD, tăng 17,3%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu. Để làm được điều này, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; Tăng cường hoạt động thương mại biên giới; nâng cao hiệu quả của công tác dự báo thị trường, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, v.v…

Dự kiến thị trường hàng hóa trong nước năm 2014 và 2015 sẽ có mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 14%/năm. Đến năm 2015, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại khoảng 40% , qua kênh phân phối truyền thống là 60%.

Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sản xuất

Hoan nghênh những kết quả đạt được của ngàng Công Thương và Bộ Công Thương trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa ghi nhận những nỗ lực của toàn Ngành đối với những đóng góp cho nền kinh tế.

Năm 2013, bằng sự nỗ lực phấn đấu của cả đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nền kinh tế đã vượt qua được những khó khăn thách thức, cơ bản thực hiện được các chỉ tiêu đề ra. Sản xuất, kinh doanh tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước chính là tiền đề để năm 2014 đạt nhiều kết quả tốt hơn.

Có được những kết quả đó, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương, thể hiện rõ qua việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngành Công Thương, Bộ Công Thương trong năm 2014 tiếp tục khẳng định vai trò, phát huy năng lực, khắc phục những tồn tại để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, phát triển bền vững nền kinh tế.

Để làm được điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường hơn nữa quản lý Nhà nước trong việc tạo và hoàn thiện các cơ chể, thế chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, cần mở rộng thị trường trong nước để tạo động lực cho sản xuất công nghiệp và tiêu dùng. Trong khi đó, thị trường nước ngoài là yếu tố quan trọng trong đối với tăng trưởng xuất khẩu. Bộ Công Thương phải là đơn vị chủ trì khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu đi liền với giá thị trường thông qua việc công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá, không để xảy ra sốt giá.

Công tác quản lý thị trường cũng cần hết sức chú trọng để góp phần ngăn chặn các hành vi buôn lậu, hạn chế hàng giả hàng nhái, ổn định thị trường.

Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc với trọng tâm là việc cổ phần hóa để các Tập đoàn và Tổng công ty trực thuộc Bộ hoạt động hiệu quả, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cùng với việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân chủ động khai thác có hiệu quả.

Tại Hội nghị, thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, đây là sự động viên quý báu, kịp thời, tạo động lực để ngành Công Thương triển khai thành công các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương