Năm 2013, ngành Công Thương đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác. Sản xuất công nghiệp được thúc đẩy triển khai, qua đó sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012 (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011).
Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực; chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng, nếu tính từ thời điểm 1/1/2013, chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ thì đến 1/12/2013 chỉ số hàng tồn kho chỉ còn tăng 10,2%, là mức tồn kho bình thường.
Bên cạnh đó, ngành đã tập trung thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012.
Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến góp vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... cũng đạt những kết quả quan trọng.
Để thực hiện kế hoạch năm 2014-2015, ngành Công Thương đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, đó là tiếp tục đảm bảo giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống; thực hiện hiệu quả kế hoạch và chương trình bình ổn thị trường ở các địa phương, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết; tiếp tục thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công.
Phát triển xuất khẩu một cách bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục nâng cao tỷ trọng hàng chế biến và có hàm lượng công nghệ cao trong cơ cấu xuất khẩu; kiểm soát nhập siêu có hiệu quả, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngành công thương, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại phù hợp với thể chế kinh tế-thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế.