Bạn đang ở đây

Ngành Công Thương triển khai kế hoạch năm 2014: Thực hiện ba đột phá

10/01/2014 11:08:43

Phục hồi sản xuất, gia tăng xuất khẩu

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp năm 2013 tăng khoảng 5,9%, cao hơn so với mức tăng của năm 2012 (5,8%). Trong đó, phục hồi mạnh nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: Dệt may, da giày... đã góp phần đáng kể vào mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp bình quân 3 năm 2011- 2013 tăng 6%. Trong giai đoạn này, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã được thực hiện và một số đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những tồn tại trong sản xuất công nghiệp, đó là cơ cấu sản phẩm tuy có bước thay đổi theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số sản phẩm công nghiệp vẫn tập trung vào nhóm có mức gia công lớn như da giày, dệt may, dây và cáp điện, điện tử... nên giá trị gia tăng vẫn thấp.

Năm 2014, ngành Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 145,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu khoảng 154 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2013, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2011- 2013, thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá, cung- cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm. Bình quân tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước khoảng 17,5%. Ấn tượng nhất vẫn là lĩnh vực xuất khẩu. Tính riêng năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 131,3 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất siêu khoảng 863 triệu USD và đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Bình quân tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 ước khoảng 22,3%, cao hơn mức 11% so với mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng XI và mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030.

Năm 2014: Thực hiện ba “đột phá”

Theo Bộ Công Thương, trong 2 năm 2014- 2015, công nghiệp- xây dựng tăng khoảng 6,1- 6,3%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10%/năm; nhập siêu tiếp tục được duy trì ở mức dưới 6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 14%/ năm.

Ngành Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu với dự kiến kim ngạch năm 2014 đạt khoảng 145,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Kim ngạch nhập khẩu năm 2014 dự kiến khoảng 154 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2013, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hoạt động phát triển thị trường trong nước sẽ gắn với kích cầu tiêu dùng nội địa, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo. Thị trường hàng hóa trong giai đoạn này sẽ có mức tăng trưởng khá hơn giai đoạn 2011- 2013. Có giải pháp hiệu quả, dài hạn hỗ trợ DN, nông dân tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các nông sản chủ lực như: Lúa, cà phê, cao su, tôm... Đặc biệt ưu tiên xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng.

Để thực hiện thành công kế hoạch 2014- 2015, bên cạnh các nhiệm vụ đặt ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai một loạt các giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giữ vững cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu. Phát triển xuất khẩu bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục nâng cao tỷ trọng hàng chế biến và có hàm lượng công nghệ cao trong cơ cấu xuất khẩu. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các loại rào cản của các nước nhập khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Thứ hai, thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; chuyển dần từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác.

Thứ ba, tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại như: Phát triển giáo dục- đào tạo, khoa học công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Theo Báo Công thương