Mặc dù có lãi trong 2 năm qua song lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên đến 19.877 tỷ đồng.
Tuy lộ trình tăng giá điện chưa được đưa ra, nhưng với việc công bố giá thành sản xuất điện với mức tăng cao, và mới đây, Tập đoàn đặt mục tiêu có lợi nhuận trong năm 2014, đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Một lần nữa, câu chuyện minh bạch lỗ lãi của EVN, vấn đề đầu tư và cắt giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành lại được đặt ra đối với Tập đoàn này.
Năm 2012, mỗi kWh điện bán ra, EVN có lãi 41,76 đồng, nhờ vậy mà Tập đoàn có lãi 6.000 tỷ đồng, trong đó, riêng từ sản xuất kinh doanh điện đạt trên 4.400 tỷ đồng. Năm 2013, giá bán điện lại tăng hơn 134 đồng/kWh so với năm 2012, lên mức bình quân hơn 1.498 đồng/kWh, khiến doanh thu bán điện năm qua tăng gần 20% so với năm 2012, ước đạt gần 172.500 tỷ đồng. Nhưng do phải xử lý các khoản lỗ và chênh lệch tỷ giá, nên mức lãi chỉ đạt 120 tỷ đồng.
Những con số này cho thấy, 2 năm trở lại đây, EVN không còn thua lỗ, thậm chí là có lãi. Thế nhưng, giá bán điện chưa bao giờ giảm. Lý giải cho vấn đề này, đại diện EVN cho biết, tính đến cuối năm 2012, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá và chạy nguồn điện giá cao còn treo lại là 19.877 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định: “Năm 2013, EVN cân bằng được tài chính, bù lỗ được 12.000 tỷ đồng do sản xuất kinh doanh, và chênh lệch tỷ giá cơ bản giải quyết. Còn lại một phần sẽ phải giải quyết trong năm 2014 – 2015”. Theo Quyết định của Thủ tướng, chênh lệch tỷ giá sẽ phân bổ dần đến 2015. Như vậy, việc hạch toán các khoản lỗ còn treo lại từ trước, cùng với chủ trương điều chỉnh giá điện theo giá thị trường, việc tăng giá điện tới đây là khó tránh khỏi.
Từ trước tới nay, để khắc phục lỗ, tạo lợi nhuận, thu hút đầu tư, ngành điện thường chỉ trông vào tăng giá điện. Nhưng theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Duệ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng, Bộ Công thương, việc giảm chi phí giá thành – một yếu tố thu hẹp khoản lỗ của ngành điện lâu nay ít được nhắc tới. Một thực tế đáng lo ngại là mức giá thành sản xuất của EVN công bố, năm sau luôn cao hơn năm trước, khiến giá điện khó mà giảm được:
“Không phải EVN cứ lỗ, hay vì thiếu vốn đầu tư mà đòi được tăng giá điện. Để khắc phục lỗ, tạo lợi nhuận, tạo vốn cho đầu tư, thì phải tiết kiệm chi phí sản xuất. Tiềm năng để giảm chi phí của ngành điện còn rất lớn. Ở các nhà máy điện, giá thành cao vì suất tiêu hao nhiên liệu cho 1 kWh còn cao, hệ số biên chế nhân lực còn lớn. Đặc biệt, tổn thất điện năng Việt Nam ở khâu truyền tải và phân phối còn lớn, thuộc loại rất cao trên thế giới khi luôn ở mức 9-10% mà không giảm được” - ông Nguyễn Minh Duệ nói.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.347 đồng/kWh đến 1.835 đồng/kWh (trung bình mỗi năm tăng hơn 10%). Đặc biệt, nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cho phép EVN được tự quyết tăng giá tới 7% từ 10/1/2014, thay vì biên độ 5% như trước đây.
Theo các chuyên gia, lộ trình đưa một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than…tiến theo giá thị trường là chủ trương đúng đắn, vì Nhà nước không thể bao cấp mãi cho những mặt hàng này. Vấn đề là ở chỗ, Tập đoàn Nhà nước cần công khai, minh bạch chi phí giá thành sản xuất, các khoản lỗ lãi để tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Nới quyền tự quyết về điều chỉnh giá điện cho EVN lần này tạo cho ngành điện tự do hơn và tự quyết hơn. Nhưng cần kiểm soát cũng như minh bạch cơ chế, giá thành thực tế ngành điện, các chi phí hợp lý đến đâu. Cũng như kiểm toán đảm bảo độ xác thực, cũng như có giải trình để đảm bảo nguồn thu do tiền điện tăng sẽ được sử dụng như thế nào. EVN không được chuyển khoản lỗ do vi phạm trách nhiệm, vi phạm hạch toán của ngành điện để người tiêu dùng phải gánh chịu”.
Các chuyên gia khuyến cáo, phải cân nhắc thận trọng việc tăng giá điện, vì điều này làm tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tổng Cục Thống kê đưa ra một so sánh rất đáng suy ngẫm là, tác động của 10 lần tăng giá xăng dầu chỉ bằng 1/3 so với 2 lần tăng giá điện trong năm 2013, cho thấy tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế, cũng như đời sống của nhân dân.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết của EVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, giá điện Việt Nam hiện nay không còn rẻ nữa… Đã đến lúc ngành điện cần tập trung tái cơ cấu đầu tư, cắt giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, khắc phục thua lỗ; Đồng thời, phải minh bạch với người tiêu dùng, cho dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 69 cho phép điều chỉnh giá điện theo thị trường.
Theo VOV