Bạn đang ở đây

Xuất khẩu về đích ngoạn mục

03/01/2014 10:00:04

Công nghiệp chế biến “lên ngôi”

Ngay từ những tháng đầu năm, bức tranh XK đã được dự báo không mấy sáng sủa do tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như thế giới có nhiều khó khăn, thách thức. Trên thế giới, sự suy giảm về nhu cầu hàng hoá; các nền kinh tế lớn và cũng là đối tác chính quan trọng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và tăng trưởng. Trong nước, sức mua suy giảm, thị trường XK gặp khó khăn do hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên ngày càng gia tăng, giá một số hàng hoá nông sản XK giảm... đã có tác động nhất định đến tình hình sản xuất cũng như các chương trình đầu tư phát triển của DN.

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của DN cùng với những chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, nên XK vẫn có bước tiến vượt bậc. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhìn nhận, XK của cả nước có bước phát triển đáng kể, quy mô và tốc độ tăng trưởng XK hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tổng kim ngạch XK hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%).

“Mặc dù trong năm, XK gặp nhiều khó khăn như giá XK một số mặt hàng giảm, thị trường XK tại một số địa bàn bị thu hẹp..., song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng XK chủ lực đã đạt kim ngạch XK cao, vượt mục tiêu đề ra, như: Dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.... Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất hàng XK của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ cấu hàng XK từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định. Hơn nữa, hàng hóa XK của ta đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường XK truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN thì XK của nước ta sang thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Mỹ La tinh đã có bước phát triển.

Đáng ghi nhận hơn, điểm nhấn trong bức tranh XK 2013 là nhóm hàng công nghiệp chế biến. Ngay từ đầu năm, nhóm hàng này đã khẳng định được vị thế không thể thiếu của mình. Đơn cử như quý I-2013, trong khi nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng cao 31,8% thì nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm nhẹ 0,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ tăng nhẹ 1,2%. “Phong độ” này được duy trì trong suốt năm qua. Trong số 21 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, nhóm công nghiệp chế biến chiếm tới 16, còn lại 5 mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thuỷ sản. Trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, đặc biệt phải kể đến điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch XK cao nhất, đạt trên 20,2 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số mặt hàng có kim ngạch cao và tăng trưởng ổn định là dệt may ước đạt 19 tỷ USD, tăng 19,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 9,9 tỷ USD, tăng 41,6%; giày dép ước đạt 8 tỷ USD, tăng 14,2%...

Cán cân thương mại cơ bản cân bằng

Nếu XK là điểm sáng trong bức tranh XNK thì nhập siêu trong năm 2013 cũng là điểm đáng chú ý. Khác với nhiều năm, nhập siêu của năm 2013 có thể nói là rất thấp. Liên tiếp trong nhiều tháng Việt Nam cân bằng được cán cân thương mại, thậm chí xuất siêu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, hoạt động điều hành NK trong thời gian vừa qua đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, XK và tiêu dùng trong nước, hạn chế các tác động tiêu cực của biến động giá cả thế giới tới sản xuất trong nước, đồng thời tập trung kiểm soát NK những mặt hàng không thiết yếu, góp phần từng bước giảm nhập siêu. Tổng kim ngạch NK hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012, nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu, bằng 0,38% kim ngạch XK, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%), có nghĩa là cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng.

Trong năm qua, nhóm hàng cần kiểm soát NK và nhóm hàng hạn chế NK tăng thấp, chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng kim ngạch NK. Điều này cho thấy, các biện pháp hạn chế nhập siêu đã phát huy được tác dụng. Song song với đó, kim ngạch NK của nhóm hàng cần NK là những mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất, XK tăng mạnh, gần bằng tốc độ tăng của NK. Điều này chứng tỏ, sản xuất trong nước đã có dấu hiệu hồi phục.

Tuy vậy, dù liên tiếp xuất siêu trong nhiều tháng nhưng tỷ lệ xuất siêu chủ yếu rơi vào các DN FDI. Điểm danh những mặt hàng có kim ngạch XK có mức tăng trưởng cao, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; các loại máy ảnh, máy quay phim và linh kiện khác… đều do các DN FDI sản xuất. Một vị lãnh đạo Bộ Công Thương tỏ ra lo ngại, các DN FDI chủ yếu hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến là những ngành có khối lượng XK lớn, giá trị XK lớn. Trong khi đó, khó khăn DN trong nước gặp phải là những mặt hàng XK lớn thường rơi vào những mặt hàng nông, lâm, thuỷ hải sản - là những mặt hàng gần như chỉ XK thô, khối lượng XK lớn nhưng trị giá nhỏ. Điều này cho thấy, DN nội vẫn còn yếu kém cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng cũng như trình độ công nghệ trong các ngành chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Trong năm tới, Bộ Công Thương dự báo, nhập siêu sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 6% hoặc thấp hơn nữa so với tổng kim ngạch XK. Để giảm mức nhập siêu, Bộ Công Thương đã đề ra một số giải pháp như : Khuyến khích NK công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn; hạn chế NK các loại hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh; hạn chế NK hàng xa xỉ; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế NK.  Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế NK để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật... ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường NK và NK công nghệ nguồn. 

 

Để thúc đẩy XK trong năm tới, Bộ Công Thương xác định: Cần phát triển XK các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược XK với lợi thế của Việt Nam, đây được coi là khâu đột phá; tập trung phát triển XK những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... trong đó, cần tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này; tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn, trong đó sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh XK vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh.

 

Theo Báo Hải quan