Lợi thế
Nếu như WTO chỉ đàm phán về thị trường hàng hóa, dịch vụ, một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thì trong đàm phán TPP, bên cạnh các vấn đề trên, các vòng đàm phán còn đề cập cả vấn đề mua sắm chính phủ, vấn đề lao động, môi trường, vấn đề DN nhà nước…
Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có điều kiện tăng GDP, có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng thu hút đầu tư, tạo được chỗ đứng trong chuỗi liên kết, phân công lao động tiềm năng, hiện đại hóa và nâng cấp các lĩnh vực dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít thách thức đặt ra cho các DN Việt. Đó là những thách thức về vấn đề cải cách thể chế, pháp luật, đặc biệt là pháp luật lao động, những điều kiện về thể chế kinh tế thị trường, vấn đề sở hữu, kiểm soát của Nhà nước đối với các tư liệu sản xuất...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, khác với các vòng đàm phán của WTO, đàm phán Hiệp định TPP có phạm vi rộng hơn, đặc biệt, “nếu 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký, tỷ lệ xóa bỏ mức thuế cao nhất là 99% thì TPP hướng đến xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực)”.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia, khi tham gia “sân chơi” này, Việt Nam sẽ là một trong những nước có lợi nhiều nhất vì mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hóa cho dịch vụ. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của mình vào các thị trường lớn, nhất là thị trường Hoa Kỳ mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước khác.
Cụ thể trong khối đàm phán TPP có hai thị trường rất quan trọng là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 11% và các nước TPP khác đang chiếm khoảng 4%. Như vậy, khối các nước TPP đang chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Riêng năm 2012 đã có gần 11 tỷ USD xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước TPP. Vì vậy, khối các nước TPP là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Đánh giá về cơ hội đối với DN dệt may Việt Nam, theo nghiên cứu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
Tham gia TPP, các DN Việt có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn trong thương mại dịch vụ và đầu tư. Về lý thuyết, các DN Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước thành viên tham gia một cách thuận lợi hơn và ít rào cản hơn. 8 nước thành viên còn lại tạo ra một thị trường lớn đầy tiềm năng cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy, thị trường rộng lớn với dân số hơn 750 triệu dân (nếu tính cả Nhật Bản) sẽ tạo ra cơ hội đầu tư rất giá trị cho các DN Việt Nam. Đặc biệt, đây sẽ là một động lực lớn thúc đẩy các DN Việt đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, các DN được mua nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước TPP với chi phí thấp. Các ngành sản xuất sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước thành viên TPP làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu , qua đó mua được nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của những ngành này.
Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội tốt cho các DN thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động khi Việt Nam thực thi các tiêu chuẩn về lao động, môi trường theo các cam kết đã ký trong Hiệp định.
Các DN Việt Nam sẽ được hưởng những tác động tích cực từ việc cải cách và thay đổi thể chế nhằm tuân thủ những cam kết chung của TPP. TPP dự kiến sẽ bao trùm cả những cam kết về những vấn đề như sự hài hòa giữa các quy định pháp luật, tính cạnh tranh, khối các DN vừa và nhỏ, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển… Đây là những lợi ích lâu dài, xuyên suốt và đặc biệt có ý nghĩa với cộng đồng DN Việt.
Áp lực cạnh tranh
Bên cạnh những cơ hội hấp dẫn, DN Việt sẽ găp phải không ít khó khăn nếu không tự nâng cao được tính chuyên nghiệp. Ngay đối với những ngành hàng được xem có lợi thế khi gia nhập TPP cũng có thể vấp phải không ít rào cản. Ví dụ như dệt may, phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ từ “sợi trở đi” để được hưởng thuế suất 0%.
Bởi vậy, DN cần nắm được tinh thần chung và những cam kết cụ thể nhất là khi có liên quan đến ngành hàng, sản phẩm của mình, nhất là phải chuyển dần từ cách cạnh tranh “bằng giá” sang chú trọng cạnh tranh “phi giá” (gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch…). Hơn thế, DN cần học cách kết nối bởi thế giới kinh doanh hiện nay là thế giới của mạng, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, là thế giới của những liên kết nghiên cứu triển khai - sản xuất - dịch vụ - thị trường trong không gian các mối quan hệ đối tác và xã hội.
Để nắm bắt được các cơ hội, loại bỏ thách thức, cộng đồng DN Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức…
Thứ nhất, năng lực cạnh tranh của mỗi DN là yếu tố quyết định trong “sân chơi TPP”. Do đó, để tồn tại được, điều tối quan trọng với các DN là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN mình để có đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài trên thị trường trong nước cũng như trên thị trường của nước đối tác.
Thứ hai, thực tế trên nhiều lĩnh vực hiện nay nhiều DN Việt Nam không thể cạnh tranh được với DN nước ngoài, do họ có bề dầy kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, thương hiệu, uy tín… Do đó, DN Việt thay vì đối đầu trực tiếp trên các thị trường lớn thì hãy chọn các thị trường ngách, thị trường nhỏ với chiến lược “đại dương xanh” - khai phá mảng thị trường có thể nhỏ hẹp nhưng mới và ít đối thủ cạnh tranh. Ngay trong mảng mua sắm công, thay vì tham gia đấu thầu trực tiếp những hợp đồng lớn, DN Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn trở thành nhà thầu phụ. Điều này phù hợp với tiềm lực và khả năng của DN Việt hơn.
Thứ ba, những quy định về môi trường, lao động hay bảo hộ sở hữu trí tuệ là xu hướng phát triển tất yếu của môi trường kinh doanh lành mạnh, văn mình. Dù muốn hay không thì DN cũng phải chấp nhận xu hướng này. Do đó, thay vì cố tình trì hoãn, đi theo lối kinh doanh cũ, DN Việt từng bước cải cách hoạt động của DN mình cho phù hợp với xu thế của thời đại.
Thứ tư, TPP khi được ký kết sẽ gây ra những tác động, trực tiếp đến hoạt động của DN. Do đó, DN phải lên tiếng, thông qua các hiệp hội hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì quyền lợi của DN mình, kiến nghị với Chính phủ để đàm phán những điều kiện có lợi cho các DN nội địa.
Nguồn: Tạp chí Công Thương