Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giao thương thông qua việc tìm hiểu, nắm bắt tình hình mới nhất về kinh tế, thương mại, thị trường… ở nước sở tại. Qua đó, đã cập nhật và cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời và chính xác phục vụ tốt hoạt động của các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, các Thương vụ đã tích cực hỗ trợ nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát thị trường, tư vấn đàm phán hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Các Thương vụ cũng đã thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, tranh chấp giữa Việt Nam và nước sở tại, liên hệ với các cơ quan hữu quan trong việc điều tra, xác minh, giải quyết các vụ việc gian lận thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, buổi đối thoại được tổ chức lần này là cơ hội để các bên trao đổi về cơ chế, chính sách, xu hướng xuất khẩu ở một số thị trường trọng điểm; mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển; các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi; tìm ra những nguyên nhân khách quan, những tác động… gây cản trở cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập những thị trường này. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú hi vọng, tại buổi đối thoại, UBND các địa phương, các Sở Công Thương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị về cơ chế, chính sách giúp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư vào các địa phương.
Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc Chu Thắng Trung, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ cơ hội từ việc ký kết các Hiệp định Mậu dịch tự do FTA. Đó là việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các ưu đãi, cam kết mở cửa thị trường của các nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung thu hút đầu tư từ các nước khác cũng như tận dụng cơ hội dịch chuyển đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia sang Việt Nam (vốn, công nghiệp hỗ trợ…).
Với kinh nghiệm của mình, Tham tán thương mại Chu Thắng Trung cho rằng, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường nên có những sự đầu tư nghiên cứu thông tin nhất định về thị trường muốn hợp tác. Các doanh nghiệp nên tích cực tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm hàng hóa. Đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đảm bảo sự ổn định về chất lượng cũng như nguồn cung sản phẩm để tạo niềm tin, uy tín cho đối tác.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại I-ran Nguyễn Ngọc Hải cũng đồng ý với quan điểm, các doanh nghiệp cần có sự phân bổ nguồn tài chính nhất định để phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời để các Thương vụ có thể nắm bắt được tình hình.
Trong khi đó, theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Thị Hồng Thủy, các doanh nghiệp cần chú ý hơn nữa đối với các kỹ năng, nghiệp vụ về ngoại thương, thanh toán quốc tế, ngoại ngữ, v.v … Vì theo bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, nghiệp vụ ngoại thương của không ít doanh nghiệp chưa tốt dẫn tới việc soạn thảo hợp đồng, giao kết thương mại thường không chặt chẽ, nếu xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy cũng cho rằng các doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư nhất định về văn hóa, tập quán kinh doanh của nước sở tại. Với vai trò của mình, các Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vấn đề này.
Cũng tại buổi đối thoại, các Tham tán thương mại cũng đã giải đáp những thắc mắc cụ thể của các doanh nghiệp đối với từng thị trường cụ thể.
Theo Bộ Công thương