Bạn đang ở đây

Việt Nam - Ấn Độ: Nhiều lợi thế đầu tư, thương mại

16/12/2013 10:45:17

 

Thuận lợi lớn trong hợp tác thương mại - đầu tư

Năm 2003, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ mới chỉ đạt 489 triệu USD, năm 2012 đã đạt 3,94 tỷ USD, tăng gấp 8,1 lần; 10 tháng đầu năm vươn tới con số 4,37 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,05 tỷ USD và nhập khẩu 2,33 tỷ USD (dự kiến cả năm 2013 sẽ vượt 5,2 tỷ USD).

Theo Biên bản kỳ họp lần thứ 15 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam- Ấn Độ (UBHH) tại New Delhi ngày 11/7/2013, hai bên nhất trí sớm thành lập Tiểu ban Thương mại hỗn hợp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Ấn Độ. Tiểu ban đã họp phiên đầu tiên ngày 18/11/2013 tại New Delhi để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước, hướng tới mục tiêu thương mại song phương 7 tỷ USD vào năm 2015.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 19 đến 22/11/2013, hai nước đã ra Tuyên bố chung, trong đó có đề cập tới tăng thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020 và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.

Hai hợp đồng chia sản phẩm lô 127, 128 cấp phép ngày 16/6/2006, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, tổng vốn đầu tư lần lượt là 40 và 20 triệu USD. Nhà đầu tư là ONGC VIDESH LTD- Ấn Độ.

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có khung pháp lý rất tốt. Ấn Độ đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và một loạt các hiệp định đã ký, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN- Ấn Độ (AITIG) tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp của hai nước.

Để khai thác các lợi thế và phát huy các tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, hai nước cần có các biện pháp hữu hiệu như: Tiểu ban Thương mại hỗn hợp họp định kỳ mỗi năm một lần; thường xuyên tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Ấn Độ; thực thi các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư cấp quốc gia, ngành, địa phương, doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm để xúc tiến quảng bá các mặt hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp của mỗi nước; khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đầu tư vào mỗi nước bao gồm cả khuyến khích đầu tư vào khu vực tư nhân; hỗ trợ các doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty ở mỗi nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, các nhà đầu tư đi lại làm ăn, nghiên cứu cấp visa dài hạn cho các thương nhân và các nhà đầu tư; sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước...

Tập trung đầu tư vào công nghiệp

Tính đến ngày 20/5/2013, Ấn Độ có 72 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 252,16 triệu USD, đứng thứ 30/98 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Đó là chưa tính Dự án Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.320 MW, vốn đầu tư 1,8 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (33 dự án, tổng vốn đầu tư 134,9 triệu USD, chiếm 49% tổng số dự án và 53,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là lĩnh vực khai khoáng (3 dự án, tổng vốn đầu tư 86 triệu USD, chiếm 4% tổng số dự án và 34,2% tổng vốn đầu tư).

Về địa bàn đầu tư, nếu không tính 3 dự án thăm dò, khai thác dầu khí, Ấn Độ đầu tư tại 19 địa phương của Việt Nam, điển hình tại tỉnh Tuyên Quang có dự án khai thác khoáng sản Alliance, tổng vốn đầu tư 15 triệu USD và Ninh Thuận với dự án sản xuất mía đường Dhampur Việt Nam, tổng vốn đầu tư 22 triệu USD.

Về hình thức đầu tư, đa số vốn đầu tư của Ấn Độ theo hình thức 100% vốn nước ngoài (49 dự án, chiếm 72% tổng số dự án và 56,5% tổng vốn đầu tư). Số vốn đầu tư còn lại thuộc hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và liên doanh.

Theo Báo Công Thương