Tiếng tăm là vậy nhưng cho mãi tới ngày 31/5/2013, chè Suối Giàng của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn mới chính thức được đăng ký nhãn hiệu chè Suối Giàng - Yên Bái.
Có lẽ khó có địa phương nào lại có những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi như ở Suối Giàng. Chè ở đây mọc thành rừng, không đốn, không bón phân, không phun thuốc. Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng là chè sạch hoàn toàn và không chỉ sạch mà còn ngon nổi tiếng. Chè Shan tuyết Suối Giàng nổi tiếng và đã có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... Năm 2006, chè được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh “Thương hiệu chè Việt”. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài vừa qua, vì lợi nhuận cùng với sự thiếu đầu tư trong chăm sóc, chế biến, dẫn đến thương hiệu chè Suối Giàng dần mất uy tín trên thị trường.
Để lấy lại thương hiệu và để cây chè phát triển đúng với tiềm năng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã đứng ra đăng ký nhãn hiệu chè Suối Giàng - Yên Bái. Sau hơn ba năm xây dựng Đề án, nhãn hiệu “Chè Suối Giàng - Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 62700/QĐ/SHTT ngày 1/11/2012.
Nhãn hiệu hàng hóa (hay còn gọi là logo, thương hiệu) là những dấu hiệu của một doanh nghiệp hoặc một tập thể doanh nghiệp dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác. Xây dựng, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm chè Suối Giàng là một việc làm đúng đắn và hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững trong nền cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống văn bản pháp lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu Suối Giàng - Yên Bái từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm. Được cấp giấy chứng nhận sẽ giúp thương hiệu chè Suối Giàng lấy lại uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè Suối Giàng đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Việc quản lý sản xuất, chế biến chè đã được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ. Ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chè Suối Giàng - Yên Bái”, Sở đã tiến hành cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm chè của Nhà máy Chè Suối Giàng thuộc Công ty TNHH Đức Thiện và Hợp tác xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái.
Chất lượng sản phẩm chè của hai đơn vị này sản xuất có đặc trưng về cảm quan, chỉ tiêu sinh hóa và các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật... đảm bảo theo quy định. Trong quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, hai đơn vị này phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định.
Các đơn vị muốn được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải đảm bảo các tiêu chuẩn như sản xuất tại xã Suối Giàng, sử dụng nguyên liệu chè Suối Giàng, sản phẩm phải đạt chất lượng theo quy định. Căn cứ vào quy hoạch cũng như vùng nguyên liệu tại xã Suối Giàng, trong một vài năm tới, Sở sẽ không cấp phép thêm cho đơn vị nào nữa”.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu chè Suối Giàng. Riêng tại xã Suối Giàng cũng có 4 - 5 hộ sản xuất, xã Sơn Thịnh cũng có gần 20 cơ sở sản xuất, phố huyện Văn Chấn có hàng chục tấm biển quảng cáo bán chè Suối Giàng. Thật phi lý khi cả vùng chè Suối Giàng chưa đầy 400ha, sản lượng búp mỗi năm chỉ đạt 500 tấn, chế biến tốt cũng được chưa đầy 100 tấn chè thành phẩm mà đâu đâu cũng thấy dán tem chè Suối Giàng! Việc làm này là vi phạm pháp luật và cần được xử lý, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm chè Suối Giàng đích thực.
Tạo dựng thương hiệu và giữ vững chất lượng, thương hiệu chè Suối Giàng, thiết nghĩ, lực lượng quản lý thị trường, huyện Văn Chấn cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bao bì mang thương hiệu chè Suối Giàng mà không có nhãn mác bảo hộ. Một vấn đề nữa, hiện nay, tổng công suất của các cơ sở chế biến chè Suối Giàng đã cao hơn sản lượng chè hiện có, vì vậy tỉnh cũng không nên cấp phép các cơ sở chế biến ở giai đoạn này là hoàn toàn phù hợp với việc giữ gìn và phát triển vùng chè đặc sản.
Nguồn: YB ĐT