Nghị định đáp ứng yêu cầu quản lý xuất nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO và tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương khác, nhằm góp phần xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thời gian qua. Nghị định 187/2013/NĐ-CP do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng; bao gồm 8 Chương, 42 Điều và 2 Phụ lục kèm theo. Nghị định có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
1. Quy định cơ chế xem xét, giải quyết việc cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ tại Khoản 3, Điều 5.
2. Quy định tại Điều 7 về việc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng và quy định cửa khẩu. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch thủy sản phải được kiểm dịch trước khi thông quan theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và các quy định khác của pháp luật có liên quan, các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng quản lý công bố Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Quy định rõ tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 9 cơ chế giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, cho phép tạm xuất, tái nhập vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh để sửa chữa phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng; quy định việc nhập khẩu máy bay không sử dụng trong hàng không dân dụng không có vũ trang, xe ô tô có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng; súng bắn sơn, đạn sơn và các mặt hàng khác có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, quốc phòng thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương sau khi có ý kiến đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để công bố danh mục và quy định cụ thể việc cấp phép nhập khẩu các mặt hàng này.
4. Về vấn đề nhập khẩu hàng hóa theo hạn ngạch thuế quan, tại Khoản 8 Điều 9 quy định: Đối với hàng hóa thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, Bộ quản lý chuyên ngành quyết định lượng hạn ngạch thuế quan, Bộ Công Thương công bố cụ thể và quy định phương thức điều hành nhập khẩu đối với từng mặt hàng sau khi tham khảo ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan.
5. Về vấn đề nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Khoản 10 Điều 9 có quy định việc nhập khẩu phải tuân thủ quy định của Nghị định này, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo quy định tại Nghị định này. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định cụ thể về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
6. Về kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tại Khoản 3 Điều 11 đã quy định các mặt hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất là loại hình kinh doanh có điều kiện, bao gồm (i) hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này; (ii) hàng hóa dễ gây lây lan mầm bệnh hoặc gây ô nhiễm môi trường; (iii) hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt theo danh mục do Bộ Công Thương công bố. Chính phủ giao Bộ Công Thương quy định cụ thể điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Khoản 3 Điều này và điều kiện khi kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng này.
Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.
Về cửa khẩu tạm nhập, tái xuất, tại Khoản 8 Điều 11 Nghị định quy định hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định của pháp luật. Việc tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu, địa điểm khác thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với tạm nhập, tái xuất gỗ với các nước có chung đường biên giới, căn cứ quy định của Nghị định này và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể về cửa khẩu nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất.
7. Đặc biệt, tại Điều 12, Điều 13 Nghị định có quy định về các hình thức tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập khác như hàng hóa là thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, khuôn, mẫu không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, được phép tạm nhập, tái xuất theo các hợp đồng thuê, mượn của thương nhân Việt Nam ký với bên nước ngoài để sản xuất, thi công, thực hiện dự án đầu tư; tạm nhập hàng hóa mà thương nhân đã xuất khẩu để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài và các trường hợp tạm nhập tái xuất khác do Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục tạm nhập, tái xuất cụ thể.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 13, đối với hàng hóa là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu chỉ được phép tạm xuất để sửa chữa, bảo hành với điều kiện hàng hóa đó còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu. Thủ tục tạm xuất, tái nhập giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.
8. Về vấn đề gia công hàng hóa, Điều 29 Nghị định quy định các nội dung bắt buộc phải có của hợp đồng gia công. Điều 34 quy định, khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và làm thủ tục thanh khoản hợp đồng với cơ quan Hải quan. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công của bên nhận gia công với cơ quan Hải quan. Căn cứ để thanh lý hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công. Căn cứ để thanh khoản hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tái xuất, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt phù hợp với thực tế thực hiện hợp đồng.
9. Các hình thức gia công khác được quy định tại Điều 36 của Nghị định, theo đó việc gia công, tái chế, sửa chữa máy móc, thiết bị cho nước ngoài thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu chỉ được thực hiện nếu đáp ứng các điều kiện: (a) Phải có phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của quá trình gia công, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; (b) Tái xuất toàn bộ sản phẩm, hàng hóa ra nước ngoài, không được phép tiêu thụ tại Việt Nam; (c) Phải được Bộ quản lý chuyên ngành theo phân công tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này cho phép. Căn cứ phân công tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành hướng dẫn cụ thể hình thức gia công này.
Ngoài ra, Nghị định cũng ban hành kèm theo 2 Phụ lục: Phụ lục I - Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Phụ lục II - Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành. Danh mục cụ thể các mặt hàng trong các Phụ lục này cũng như phân công trách nhiệm quản lý và nguyên tắc quản lý của các Bộ, ngành cũng đã được điều chỉnh phù hợp với các quy định hiện hành.
Được ban hành để thay thế Nghị định 12/2006/NĐ-CP, Nghị định 187/2013/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20 tháng 02 năm 2014.
Nguồn: Moit.gov.vn