(Ảnh: Chợ Ngã Ba Kim)
Ấy vậy mà, hàng giả vẫn len lỏi vào thị trường, có mặt trong đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng. Được theo chân các anh Quản lý thị trường trong một chuyến công tác tại các huyện vùng cao, mới thấy rằng còn quá nhiều lý do để khó kiểm soát được hàng giả.
Đâu là kênh phân phối hàng giả
Hàng giả có đủ loại, từ hàng xa xỉ đến sản phẩm bình dân. Nếu ở các thành phố lớn, có thể thấy hàng giả quần áo, túi xách, nước hoa các thương hiệu Gucci, Lascose, Milano… thì tại các huyện vùng cao, hiếm gặp được những hàng hiệu rởm như vậy, mà chủ yếu là mì chính, nước mắm, bột giặt, dầu gội đầu giả - những là các sản phẩm tiêu dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Những mặt hàng này, nếu là sản phẩm chính hãng, nhà sản xuất thường đặt một hoặc một vài nhà phân phối độc quyền tại mỗi tỉnh. Toàn bộ hàng hóa sẽ được tiêu thụ qua các kênh của nhà phân phối, họ đưa hàng đi về các huyện, giao tận nơi cho đại lý.
Vậy hàng giả đi vào vùng cao qua kênh nào? Theo một số hộ kinh doanh cho biết, “hàng rẻ” (khái niệm mà tiểu thương thường dùng để gọi thay cho hàng giả) được những xe ôtô hạng nhỏ hoặc xe máy đến tận cửa hàng chào hàng. Hình thức, mẫu mã hàng giả giống y chang hàng xịn nhưng giá thấp hơn giá của nhà phân phối. Một tháng, họ đi từ một đến hai lần để giao hàng và thường chỉ đi vào ngày nghỉ hoặc giờ nghỉ, giao hàng tại các khu vực trung tâm nơi tiêu thụ nhiều hoặc dọc tuyến đường.
Còn tại các điểm xã, thôn, bản ở xa, người kinh doanh thường lấy hàng của những đại lý, cửa hàng tại trung tâm huyện. Hàng thật, hàng giả cũng có thể từ đó mà phát luồng.
Người kinh doanh: vô tình hay hữu ý
Đoàn kiểm tra đến một cửa hàng tạp hoá ở thôn Nà Kè, xã Gia Hội huyện Văn Chấn do anh Nguyễn Văn T làm chủ. Đây được coi là cửa hàng quy mô nhất khu vực này, với 3 gian rộng rãi có đủ thứ từ cặp sách, bát đĩa đến bánh kẹo, xà phòng. Anh T chia sẻ : “Tôi không có nghề gì, ở nhà trông quầy hàng này thôi. Quầy hàng tôi ngay chân cổng trường học, tan học giáo viên mua cũng nhiều. Tôi không bán hàng rởm, hàng giả, được thêm tí lãi thì mất uy tín”.
Khi được hỏi về việc có bị các đối tượng bán hàng rong đến chào hàng không, anh T cho biết: “Có chứ. Họ vẫn đến. Nhưng không rõ nguồn gốc ra sao nên tôi không mua”. Với tinh thần “nói không với hàng giả” như vậy, nhưng khi đưa ra 2 sản phẩm dầu gội đầu cũng nhãn hiệu Sunsilk một thật - một giả, hỏi anh có biết đâu là gói dầu giả không thì anh nhìn đi nhìn lại một hồi rồi lắc đầu: “chúng giống nhau như đúc thế này, tôi cũng chẳng biết nữa”.
Cách đó không xa, một quầy hàng tạp hóa nhỏ, một đôi vợ chồng trẻ ôm con nhỏ ra tiếp chúng tôi. Không mất quá nhiều thời gian để nhận ra ở đây cũng có một vài dây dầu gội đầu giả. Hỏi chủ hộ lấy hàng ở đâu, em chẳng ngần ngại gì mà không kể tên của một cơ sở tại thị xã Nghĩa Lộ, nhưng trong em niềm tin còn chắc chắn lắm: “em toàn lấy hàng chỗ chị ấy thôi. Chỗ chị ấy toàn hàng uy tín, chả lẽ chị ấy gửi hàng rởm cho em à?”. Tương tự như anh T, khi hỏi về việc có nhận ra được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả không, em lắc đầu trả lời “đến bây giờ các anh hướng dẫn thì em mới biết”.
Trở về địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, nơi được coi là trung tâm phân phối hàng đi các huyện lân cận, đoàn công tác triển khai kiểm tra một số cửa hàng tại phường Trung Tâm. Quầy hàng của chị Hoàng Thị H tại chợ Mường Lò là một cửa hàng tương đối lớn, cũng thường xuyên giao buôn, chị khẳng định chị chỉ buôn bán hàng hoá của nhà phân phối, không lấy hàng trôi nổi trên thị trường. “Ở thị xã này, người dân tinh lắm, làm sao mà bán hàng giả được.” Kiểm tra tại quầy hàng, đúng như chị nói, chỉ bày bán hàng chính hãng. Nhưng thật bất ngờ, khi kiểm tra tại kho, một bao tải đựng 46 gói bột giặt ômô giả mạo nhãn hiệu đã bị phát hiện. Chị lúng túng giải thích: “đây là hàng rẻ lấy của người bán rong, chị lấy từ năm ngoái, chẳng bán được nên cất vào đây”. Theo một cán bộ trong đoàn kiểm tra cho biết, do sợ bị kiểm tra, xử phạt nên thông thường chủ nhà không bày bán hàng giả tại quầy mà cất giấu tại đâu đó, khi có khách mua hàng hoặc khi giao buôn đi vùng xa mới lấy ra để vận chuyển đi.
Người tiêu dùng: nghĩ gì
Chợ Ngã Ba Kim huyện Mù Cang Chải, các quầy hàng lúp xúp san sát nhau. Không cần che đậy, không cần cất giấu, các gói bột giặt giả nhãn hiệu Ômô được bày ngay ngắn trên sạp hàng. Chỉ sau một hồi, lực lượng chức năng đã thu giữ ở đây 40 gói bột giặt Ômô và hơn 3.000 gói dầu gội đầu giả các nhãn hiệu Sunsilk, Clear. Nhiều người dân - chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông người đứng xem. Một người dân đi chợ nói: “Cũng chả biết đâu là hàng thật, hàng giả. Cứ thấy chỗ nào rẻ hơn thì mua thôi”.
Tại bản Pom Pan, xã Tú Lệ huyện Văn Chấn, khi nói đến hàng thật - hàng giả, nhiều người dân tụm lại hào hứng nghe cán bộ giải thích. Có người chột dạ “biết đâu mình đã dùng hàng giả. Chị Hoàng Thị S, chủ một quầy hàng ăn bức xúc nói: “Nhiều khi gội đầu mà chả thấy ra bọt, phải cho thêm gói nữa vào mà tóc cứ rin rít lại, rất bực mình. Các anh bắt giữ được, chúng em ủng hộ lắm”
Giải pháp nào để kiểm soát hàng giả ở vùng cao
Để giảm thiểu hàng giả tại vùng cao, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ mang tính dài hạn. Nhưng trước mắt, để đồng bào vùng cao khỏi mua phải hàng giả, cần phải tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cách nhận biết hàng thật – hàng giả cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh. Chính nhiều hộ kinh doanh còn chưa biết đâu là hàng giả thì làm sao có khả năng tự chặn luồng tiêu thụ được.
Mặt khác, như đã phân tích, một số kênh tiêu thụ hàng giả hiện nay cần phải xử lý triệt để. Các lực lượng chức năng cần xử lý tận gốc các ổ nhóm, đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, những đối tượng chuyên đi giao “hàng rẻ” để cắt nguồn hàng giả tuồn vào địa bàn.
Một giải pháp quan trọng đó là cần có sự phối hợp của các nhà sản xuất, nhà phân phối với các lực lượng chuyên trách chống hàng giả. Qua công tác nắm bắt thị trường, nhà phân phối có thể có thông tin về những đối tượng kinh doanh hàng giả để cung cấp cho lực lượng chức năng triển khai kiểm tra, bắt giữ.
Với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng thì tình trạng buôn bán hàng giả ở các huyện vùng cao mới có khả năng kiểm soát được./.
Nguồn: Chi Cục QLTT