Bạn đang ở đây

Văn Chấn nâng cao chất lượng chè nguyên liệu nhờ cải tạo

26/09/2013 11:57:34

Với sản lượng và giá trị như hiện nay,  cây chè đã trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện và đưa sản xuất, kinh doanh chè trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người làm chè.

Chỉ vài năm trước đây, những diện tích chè của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ vẫn còn là những diện tích chè trung du cho năng suất 4 - 5 tấn/ha/năm. Ngay khi có chủ trương trồng cải tạo chè, nhân dân đã đăng ký chuyển đổi sang trồng giống chè lai cho năng suất và chất lượng cao.

Gia đình anh Đặng Xuân Nghĩa ở tổ dân phố 4B là một trong những hộ đi đầu trong phong trào này. Với diện tích trên 3,7ha, để trồng cải tạo toàn bộ diện tích, anh đã phá bỏ dần diện tích chè già cỗi để trồng các giống chè LDP1, LDP2. Lấy ngắn nuôi dài, sau tám năm vất vả, đến nay, toàn bộ diện tích chè cũ đã được cải tạo bằng các giống chè lai.

"Nếu chăm sóc tốt, mỗi héc-ta chè lai có thể cho năng suất từ 10 đến 15 tấn/ha. Giống chè lai lúc nào giá bán một cân búp tươi cũng cao hơn chè trung du từ hai nghìn đến ba nghìn đồng", anh Nghĩa cho biết. Là một trong ba vùng chè lớn của huyện, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ có 533ha chè, hàng năm thu nhập từ cây chè chiếm 1/3 tổng thu nhập toàn thị trấn. Xác định chè là loại cây kinh tế chủ lực, những năm qua, thị trấn đã vận động nhân dân tích cực chăm sóc và trồng cải tạo, mở rộng diện tích chè.

Ông Hoàng Trung Dũng - Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho biết: "Trong giai đoạn 2004 - 2013, nhân dân địa phương trồng cải tạo gần 500ha chè lai. Riêng năm 2013, kế hoạch trồng cải tạo là 30ha nhưng nhân dân đã đăng ký lên đến trên 50ha. Đến nay, 98% diện tích chè của nhân dân trên địa bàn đã trồng mới và trồng cải tạo bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, PH1, Phúc Vân Tiên…".

Khác với khu vực vùng trong, trồng cải tạo chè ở các xã vùng ngoài, vùng cao của huyện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Địa hình có độ dốc cao, nhận thức về công tác cải tạo chè còn hạn chế nên việc đưa các diện tích chè lai trồng theo phương pháp giâm cành tỷ lệ sống còn thấp. Khắc phục khó khăn đó, huyện và các xã đã tăng cường vận động đồng thời hướng dẫn nhân dân cách làm đất, kỹ thuật trồng, hỗ trợ 100% bầu chè.

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nhân dân giống, phân bón để trồng cải tạo. Các địa phương cũng đã chủ động phân vùng nguyên liệu cho các đơn vị, doanh nghiệp quản lý và hỗ trợ nhân dân sản xuất. Đến nay, nhận thức của nhân dân các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn đã có chuyển biến tích cực. Nhiều hộ đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác trồng cải tạo chè.

Chị Trần Thị Hiền ở thôn Ba Khe 3, xã Cát Thịnh chia sẻ: "Diện tích chè trung du trước đây vẫn cho gia đình nguồn thu nhập nhưng thời gian gần đây đã già cỗi nên chất lượng búp kém, giá bán thấp. Khi xã vận động trồng cải tạo chè bằng giống cho năng suất cao, gia đình tôi đã đăng ký trồng cải tạo hết diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật với mong muốn sẽ nâng cao thu nhập, đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất chè của địa phương".

Mục tiêu của Văn Chấn đặt ra đến năm 2015 sẽ cải tạo hết diện tích chè già cỗi có năng suất, chất lượng thấp và tiếp tục đầu tư thâm canh tạo năng suất, chất lượng búp đáp ứng cho chế biến xuất khẩu, từng bước xây dựng thương hiệu chè Văn Chấn. Để trồng cải tạo mang lại hiệu quả, ngoài tranh thủ các chương trình dự án hỗ trợ vốn, giống, huyện đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhân dân.

Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể tới các địa phương; thành lập các ban chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị đất, tiến hành trồng ngay khi có giống. Cùng với đó, ngành nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật thu hái chè theo hướng an toàn; hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Tính từ năm 2008 - 2012, huyện hỗ trợ người dân trồng mới và trồng cải tạo được trên 2.000ha chè. Riêng năm 2013, nhân dân trên địa bàn huyện đã đăng ký trồng cải tạo 520ha, vượt 140ha so với kế hoạch".

Ở Văn Chấn, hàng năm, sản xuất, kinh doanh chè đã tạo việc làm cho rất nhiều lao động và đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 30 tỷ đồng tiền thuế. Trồng cải tạo chè bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho các doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.

Nguồn: YBĐT