Công nhân Hợp tác xã Quế Sơn đóng hộp quế xô.
|
Ngay từ đầu năm, Văn Yên đã chủ động triển khai thực hiện khuyến khích thu hút đầu tư phát triển kinh tế và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, kinh tế trang trại phát triển; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh, của huyện để các nhà kinh doanh yên tâm đầu tư vào địa bàn; chú trọng phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và bao tiêu sản phẩm hàng hóa của nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...
Nhờ đó, trong 8 tháng của năm, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 204,575 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch huyện giao và 112% kế hoạch tỉnh giao. Mặc dù so với kế hoạch và so với cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đã có sự tăng trưởng khá, hoạt động sản xuất ổn định nhưng nếu nhìn nhận sâu hơn thì hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất còn chậm; sản phẩm vẫn dừng ở công đoạn thô, bước đầu thực hiện chế biến sâu nên giá thành còn thấp; vốn đầu tư của các doanh nghiệp còn hạn chế...
Theo bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, trên cơ sở khắc phục dần khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, Văn Yên sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, với diện tích trên 20.000ha cộng với sản lượng tinh dầu từ 250 - 300 tấn/năm, hoạt động khai thác và chế biến quế sẽ thực sự bước vào vụ chính. Bởi theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời điểm từ cuối tháng 8 đến hết năm là khoảng thời gian cây quế cho lượng tinh dầu chất lượng nhất. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã chủ động xuống các xã để phân loại nguồn hàng và có kế hoạch thu mua.
Theo đại diện của Hợp tác xã Bách Lâm (xã Xuân Tầm), trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã “ngốn” hết gần 20 tấn cành, lá quế. Do vậy, để đảm bảo sản xuất, đơn vị chủ động thu mua, tích trữ thường xuyên trên 300 tấn trong kho. Còn tại Hợp tác xã Quế Sơn chuyên sản xuất quế số 3 và quế xô, để có đủ nguồn hàng, đơn vị phải thường xuyên cử cán bộ xuống từng hộ dân, đặt vấn đề thu mua...
Bà Nguyễn Hồng Vân cho biết thêm: “Thúc đẩy nghề trồng quế cũng như chế biến quế phát triển bền vững, huyện đã thành lập Hiệp hội quế, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây quế, giữ lại các cây quế tốt để gây giống đồng thời tăng cường xúc tiến, giới thiệu sản phẩm tinh dầu quế tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước...”.
Bên cạnh cây quế, với trên 8.000ha cùng sản lượng bình quân 22 tấn/ha, trong những tháng cuối năm, Văn Yên sẽ tập trung chỉ đạo nông dân thu hoạch sắn; ngoài bán trực tiếp cho nhà máy, phần còn lại người dân có thể bán sắn khô. Đối với ngành chế biến gỗ rừng trồng, toàn huyện có 17 doanh nghiệp và 44 cơ sở hộ cá nhân tham gia hoạt động sản xuất. Hiện các cơ sở này đã chủ động được nguồn nguyên liệu, đáp ứng cho sản xuất trong những tháng cuối năm với giá bán sản phẩm đầu ra ổn định ở mức 1.830.000 đồng/m3.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá và vật liệu xây dựng cũng đã chủ động tích trữ nguồn hàng và tăng cường khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Có thể nói, sản xuất CN-TTCN ở Văn Yên đang bước vào giai đoạn sôi động nhất, khi mà các doanh nghiệp đã và đang chủ động nhiều giải pháp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để thúc đẩy công nghiệp phát triển bền vững, Văn Yên cần tiếp tục hỗ trợ thị trường, tổ chức hiệu quả các hoạt động khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại; tăng cường công tác quản lý nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản, ngăn chặn tình trạng tranh mua nguyên liệu trên địa bàn; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa; quản lý thị trường, xử lý kịp thời gian lận thương mại…
Theo YBĐT