Dự Lễ ký có ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và ông Joop Scheffers, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan. Tham dự Lễ ký còn có Đại diện Đại sứ quan Hà Lan, Đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm. Đông đảo phóng viên các cơ quan Thông tin - Truyền thông đã đến theo dõi và đưa tin về sự kiện này.
Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương |
Trong lời phát biểu tại buổi Lễ, lãnh đạo hai Bên đều bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả giữa Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI). Vì vậy, hy vọng với Bản thoả thuận này sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tạo sắc thái mới cho ngành chế biến thực phẩm nói riêng.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại và ông Koos Van Eyk, đại diện tổ chức CBI cùng ký vào Bản thoả thuận Chương trình hợp tác, trước sự chứng kiến của ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và ông Joop Scheffers, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam.
Bản thỏa thuận nêu rõ mục tiêu của Chương trình là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam theo hướng (1) nâng cao năng lực tiếp thị, (2) nâng cao tính bền vững và cải thiện chất lượng sản phẩm, (3) đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, (4) thâm nhập thị trường thành công.
Hoạt động chính của Chương gồm: (1) Lựa chọn 30-40 doanh nghiệp tiềm năng của ngành Chế biến thực phẩm tham gia Chương trình; (2) Hỗ trợ doanh nghiệp và ngành xây dựng và thực hiện Chiến lược tiếp thị xuất khẩu; và (3) Nâng cao năng lực hỗ trợ xuất khẩu của các tổ chức xúc tiến thương mại.
Trong khuôn khổ Chương trình, CBI sẽ tư vấn và cùng với đối tác Việt Nam tổ chức Hội chợ quốc tế chuyên ngành về Chế biến thực phẩm vào cuối năm 2014 tại Việt Nam.
Để vận hành Chương trình, phía CBI hỗ trợ 1.000.000 euro, phía đối ứng của Việt Nam là kinh phí tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm về thực phẩm tại châu Âu (do hai bên thông nhất lựa chọn, khoảng 9 hội chợ trong 03 năm với kinh phí dự kiến là 500.000 Euro).
Thị trường Châu Âu thời gian qua, trong khi nhiều lĩnh vực đang phải chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì ngành công nghiệp thực phẩm lại bùng nổ và có những bước phát triển ngoạn mục. Chỉ tính riêng về tăng trưởng doanh số, ngành này đã và đang dẫn đầu thế giới với tốc độ ước chừng sẽ đạt khoảng 3,5%/năm. Đây chính là thời cơ cho xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Với nguồn nguyên liệu nông sản thực phẩm dồi dào, tươi ngon quanh năm, ngành Chế biến thực phẩm đã hình thành và phát triển cung cấp thực phẩm chế biến xuất khẩu thành công vào thị trường trường thế giới nói chung và thị trường Châu Âu nói riêng. Tuy vậy, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng mà một trong những nguyên nhân là do một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đều chưa tiếp cận những yêu cầu của thị trường, nhất là quy trình sản xuất bền vững sản phẩm hữu cơ (organic), thương mại công bằng (Fair Trade). Với thị trường có nhu cầu cao, nhưng khắt khe như Châu Âu, sẽ là trở ngại lớn để phát huy thế mạnh của Việt Nam. Vì thế việc triển khai Chương này sẽ là một trong những điểm nhấn để ngành Chế biến thực phẩm của Việt Nam có sắc thái mới trong thời gian trước mắt, trên cơ sở đó xác lập tầm nhìn chiến lược.
Nguồn: Vietrade