Bạn đang ở đây

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 45 và các hội nghị liên quan

03/09/2013 10:56:17

Đây là Hội nghị thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi, thảo luận về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị liên quan vào tháng 10 tới.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã tham dự các Hội nghị liên quan bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 27; Hội nghị liên Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 16; Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 10; các Hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 9 nước đối tác là Ấn Độ, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ôt-xtrây-lia và Trung Quốc; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam (CLMV) lần thứ 5; Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác phát triển ASEAN và Tiểu vùng Mê Công (AMBDC) lần thứ 15 và Hội nghị Bộ trưởng Mê Công-Nhật Bản lần thứ 5.

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế trong khối ASEAN, các Bộ trưởng ghi nhận thành tích của ASEAN đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 5,7% năm 2012, cao hơn 1% so với năm 2011 mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và phục hồi chậm. ASEAN dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng bình quân từ 5,3%-6% trong năm 2013. Kim ngạch thương mại hàng hóa ASEAN gia tăng 3,6% trong năm 2012, từ 2,39 ngàn tỷ USD năm 2011 lên 2,47 ngàn tỷ USD năm 2012, trong đó thương mại nội khối đạt 601 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Về đầu tư, ASEAN duy trì vị thế là khu vực đầu tư hấp dẫn, thu hút 108,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2012 với các đối tác hàng đầu là EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đầu tư nội khối ASEAN cũng tiếp tục đà tăng trưởng, đạt mức 20 tỷ USD năm 2012, chiếm 18,5% tổng vốn FDI vào ASEAN.

Các Bộ trưởng khẳng định ASEAN cần tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Tính đến tháng 7/2013, ASEAN đã thực hiện được 79,4% tổng số biện pháp và sáng kiến đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint). Một giải pháp quan trọng để thúc đẩy việc thành lập AEC là tăng cường thực hiện các biện pháp ở cấp quốc gia, dựa trên danh mục các biện pháp chủ chốt ưu tiên của năm 2013 và 2015 đã được các cơ quan chuyên ngành của AEC xác định và trình các Bộ trưởng thông qua. ASEAN cũng đề cao tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt là khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV với các nước ASEAN-6 thông qua việc triển khai các kế hoạch trong Khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế đồng đều (AFEED), tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN.

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, các Bộ trưởng ghi nhận các sáng kiến nhằm giải quyết các rào cản phi thuế, tiến triển thực hiện các dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, tình hình cập nhật biểu thuế thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tình hình phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi các Hiệp định Kinh tế ASEAN liên quan đến thương mại hàng hóa, việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, hài hòa hóa các tiêu chuẩn, xúc tiến các thỏa thuận công nhận lẫn nhau ... Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng đề nghị các bên sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết để Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (MNP) sớm có hiệu lực nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các cá nhân tham gia vào các hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình xây dựng Gói cam kết dịch vụ thứ 9 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và đề nghị các nước nỗ lực hoàn thành Gói 9 trong năm 2013. ASEAN cũng đang chuẩn bị đàm phán một Hiệp định AFAS mới từ Quý IV năm nay nhằm nâng cao tính toàn diện và cập nhật của Hiệp định cho phù hợp với bối cảnh hiện nay (Hiệp định AFAS được ký kết từ năm 1995). Trong lĩnh vực đầu tư, các Bộ trưởng ghi nhận tình hình thực hiện Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) có hiệu lực từ tháng 3/2012 và hoan nghênh việc hoàn tất thảo luận Nghị định thư sửa đổi Hiệp định ACIA nhằm đề ra quy trình sửa đổi Hiệp định và Danh mục bảo lưu của Hiệp định, hướng tới tự do hóa hơn nữa môi trường đầu tư. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng thảo luận và thông qua Kế hoạch hành động chiến lược phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2010-2015, ghi nhận tình hình hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, thống kê và tăng cường đối thoại, tham vấn công-tư. Nhiều sự kiện thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân như các phiên họp của Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Đông Á, Diễn đàn Đầu tư ASEAN lần thứ 3, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN cũng đã được tổ chức bên lề Hội nghị AEM-45 lần này.

Hội nghị tiếp tục khẳng định mong muốn của ASEAN thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác với các nước và khu vực đối thoại thông qua các phiên tham vấn với Bộ trưởng Kinh tế của các nước đối tác. Các phiên tham vấn đã tập trung xem xét tình hình đàm phán và thực thi các FTA cũng như các vấn đề hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác trong khu vực. Cụ thể, ASEAN và các đối tác liên quan đã thông qua Chương trình làm việc thực hiện Lộ trình hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga. ASEAN và Ấn Độ đã cơ bản hoàn thành việc rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại dịch vụ và Hiệp định Đầu tư ASEAN-Ấn Độ để chuẩn bị ký kết trong năm 2013. ASEAN và Nhật Bản cũng đang đẩy nhanh đàm phán, hướng tới hoàn tất cơ bản Chương Dịch vụ và Đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) trong năm 2013.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hình thành nhiều cấu trúc, sự đan xen, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau về kinh tế thông qua thương mại và đầu tư, đặc biệt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN đã tích cực thúc đẩy, phát huy vai trò trung tâm của mình trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, thể hiện qua việc dẫn dắt đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ôt-xtrây-lia và Trung Quốc, bắt đầu Phiên đàm phán đầu tiên từ tháng 5 năm nay. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang chuẩn bị cho khả năng thiết lập một Khu vực thương mại tự do với Hồng Kông trong tương lai không xa.

Chủ động và tích cực hội nhập ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Với tinh thần đó, tại Hội nghị AEM-45 và các hội nghị liên quan lần này, Việt Nam đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy ưu tiên cao nhất hiện nay là xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 và thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác ngoại khối.

Trong khuôn khổ Hội nghị AEM-45 lần này, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác giữa bốn nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế CLMV lần thứ 5. Hội nghị đã thảo luận và rà soát tiến độ thực hiện Kế hoạch Hành động CLMV năm 2013, xây dựng Kế hoạch Hành động CLMV năm 2014 và thông qua các đề xuất dự án kêu gọi hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ hai cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN năm 2012 đạt hơn 38 tỷ USD. 

Theo moit.gov.vn