Bạn đang ở đây

"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp

29/08/2013 15:53:23
Hệ thống biến tần góp phần giảm lượng điện năng tiêu thụ ở Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung chủ yếu vào những sản phẩm là thế mạnh của địa phương như: khai thác mỏ, chế biến bột đá CaCO3; sứ cách điện, chế biến chè, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch); sản xuất giấy đế…

Nguồn năng lượng phục vụ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu là điện, than và dầu FO. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành công thương, nhu cầu sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất công nghiệp từ năm 2007 trở về đây liên tục tăng.

Đặc biệt, tiêu thụ điện năng luôn chiếm từ 55% - 60% tổng giá trị điện thương phẩm toàn tỉnh. Trong khi đó, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ, giá đầu vào của xăng, dầu, than liên tục leo thang. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán, đầu tư và đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí đầu vào.

Là một trong những đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, trung bình mỗi tháng phải đầu tư chi phí trên 20 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để tiết kiệm năng lượng.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó giám đốc Công ty, để thực hiện tốt mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả nguồn năng lượng, doanh nghiệp đã tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến thông tin và vận động cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức; đưa nội dung tiết kiệm năng lượng vào kế hoạch thực hiện hàng năm; có chế độ khen thưởng cho cán bộ, nhân viên có những sáng kiến kỹ thuật, ý tưởng tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, đơn vị thay thế dần các loại bóng chiếu sáng bằng các loại đèn tiết kiệm năng lượng kết hợp với sử dụng hợp lý; hạn chế sử dụng thiết bị không tải, sử dụng trong giờ cao điểm; tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, hệ thống thông gió, tránh tổn thất điện năng; tiến hành thay thế dần biến tần, khởi động mềm cho các động cơ hạ thế, góp phần làm giảm lượng điện năng tiêu thụ, tối ưu hóa sản xuất đồng thời làm tăng tuổi thọ hoạt động của thiết bị.

Cùng với Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, để tiết kiệm năng lượng, nhiều biện pháp đã được các doanh nghiệp áp dụng như thành lập bộ phận quản lý năng lượng, cải thiện hệ thống cung cấp năng lượng để giảm tiêu hao, chiếu sáng bằng công nghệ tiên tiến, sử dụng hệ thống điện thông minh, sử dụng điều hòa không khí hợp lý, có công suất phù hợp; dán nhãn mác nhắc nhở tiết kiệm, thay đổi thói quen, hành vi của mọi người; giáo dục ý thức tiết kiệm năng lượng cho cán bộ, công nhân viên và lãnh đạo đơn vị...

Việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong thời gian qua đã phần nào được các cơ sở sản xuất công nghiệp chú ý, giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng thể, số lượng các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất hạn chế, nhất là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ chưa thực sự chú trọng, quan tâm tới tiết kiệm năng lượng, chưa áp dụng các thiết bị, dây chuyền tiết kiệm điện năng... gây lãng phí, thất thoát điện năng.

Trong khi đó, theo dự báo, đến năm 2015, nhu cầu sử dụng điện thương phẩm của tỉnh Yên Bái sẽ là 672 GWh và năm 2020 sẽ là 1.194 GWh; than trong giai đoạn 2013 - 2017 sẽ từ 170.000 -200.000 tấn/năm, xăng 214.000 lít/năm, dầu 20,413 triệu lít/năm. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

 

Tủ sấy tĩnh công suất lớn là một trong những giải pháp giúp Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái tiết kiệm điện hiệu quả.

Đối diện với khó khăn này, tỉnh Yên Bái, cụ thể là ngành công thương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề về tiết kiệm năng lượng; xây dựng các mô hình trình diễn thực hiện giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và duy trì hệ thống quản lý năng lượng để nhân rộng đến các doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức sử dụng năng lượng lớn thực hiện đầu tư mới, đổi mới, thay mới, nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Bên cạnh những giải pháp này, đối với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, không có điều kiện đầu tư chi phí lớn, cần có những giải pháp quản lý tốt, biết cách kiểm soát tốt các quá trình sản xuất cũng như trang bị những kiến thức về kiểm soát năng lượng cơ bản cho một số cán bộ chủ chốt ở doanh nghiệp. Như vậy cũng đã có thể tiết kiệm từ 5% - 10% năng lượng tiêu thụ.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu đầu tư bài bản, hóa đơn năng lượng của doanh nghiệp có thể giảm tới 30% và thời gian thu hồi vốn đầu tư trong khoảng 2,5 năm. Hiệu quả này có thể coi là "phao cứu sinh" trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

 

Anh Đỗ Bảo Long - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái:

 

"Vừa qua, Công ty đã triển khai áp dụng giải pháp kỹ thuật tủ sấy tĩnh công suất lớn. Với giải pháp này, công đoạn sấy sẽ không dùng điện như trước đây mà chuyển sang dùng nhiệt hơi nước từ lò than.

 

Theo đánh giá, từ khi áp dụng giải pháp này, doanh nghiệp giảm được từ 50% - 60% chi phí đầu tư cho năng lượng. Bên cạnh đó, đơn vị hướng dần chuyển đổi các máy sử dụng năng lượng nhiệt thay cho sử dụng điện để giảm chi phí đầu tư cho năng lượng".

 

Anh Nguyễn Đức Phương - Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh:

 

 "Để nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân viên, đoàn viên thanh niên trong khối, Ban chấp hành Đoàn khối đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất, sinh hoạt; thành lập các đội tự nguyện tuyên truyền về tiết kiệm điện. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là sử dụng các giải pháp thay thế và ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả".

 

 

 

 

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình:

 

"Trong giai đoạn 2011 - 2015, Công ty phấn đấu giảm 5% - 8% tổng mức tiêu thụ điện năng. Để làm được điều này, bên cạnh những giải pháp đã thực hiện, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ lắp đặt nhà máy điện tận dụng khí dư. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ cung cấp một phần không nhỏ lượng điện năng cho sản xuất, ước tính lên tới 20% - 30% lượng điện năng tiêu thụ toàn nhà máy".

 

Theo YBĐT