CôngThương - Theo ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, Dự thảo Nghị định nhằm quy định chi tiết những vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung tại Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Nghị định về thuế TNDN hiện hành có phát sinh bất cập trong quá trình thực hiện và kế thừa các nội dung vẫn còn phù hợp tại các Nghị định hiện hành.
Theo Dự thảo Nghị định, có khá nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích đầu tư, như:
Thứ nhất, doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ thuế: Điều này thể hiện ở việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, đồng thời quy định lộ trình áp dụng thuế suất 20% từ 1/1/2016. Theo đó từ năm 2016 mức thuế suất phổ thông chỉ còn 20%, đây là mức thuế suất khá cạnh tranh so với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó còn bổ sung quy định các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% từ 1/7/2013 nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, mở rộng diện ưu đãi thuế và điều chỉnh nâng mức độ miễn giảm, ưu đãi thuế, đặc biệt đối với hợp tác xã, các địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư, ví dụ như:
- Bổ sung vào diện được miễn thuế TNDN đối với: Thu nhập của hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản; thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của các các quỹ tài chính Nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác; phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã…
- Bổ sung vào diện ưu đãi thuế ở mức cao đối với: Lĩnh vực công nghệ cao; lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn tới KT-XH…
- Bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, theo đó trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi TNDN thì được hưởng ưu đãi thuế (thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN).
- Bổ sung ưu đãi thuế đối với Khu công nghiệp (KCN), theo đó thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi) được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo…
Thứ ba, sửa đổi đối tượng ưu đãi căn cứ theo “dự án đầu tư” nhằm phù hợp với thực tiễn và nhất quán với quy định của Luật Đầu tư, qua đó diện ưu đãi thuế cũng sẽ được mở rộng khá nhiều.
Nhìn chung, các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đều nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới và bảo đảm lộ trình của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020; đồng thời cũng đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế và việc hiện đại hoá quản lý thuế.
Theo Baocongthuong