Bạn đang ở đây

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ 05/8 đến 9/8/2013

13/08/2013 09:30:56

Việt Nam và Comoros ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo

Ngày 8/8/2013, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang thay mặt Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và ông Mahmoud Aboud, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Comoros tại Bắc Kinh, thay mặt Phó Tổng thống phụ trách Bộ Tài chính, Kinh tế, Ngân sách Đầu tư và Ngoại thương Comoros, đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo, theo đó Việt Nam sẽ cung cấp cho Comoros 60.000 tấn gạo mỗi năm, thời gian từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12/2015.

Tại buổi tiếp Đại sứ Comoros, Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi trong đó có Comoros. Việt Nam và Comoros có nhiều tiềm năng phát triển hợp tác thương mại. Để tăng cường quan hệ hợp tác, Thứ trưởng đề nghị hai bên cần thực hiện các biện pháp: Hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là ký mới các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hoạt động; Tăng cường trao đổi các đoàn cấp Chính phủ, doanh nghiệp, qua đó có thể tìm hiểu thực tế về tiềm năng, thế mạnh của nhau, đưa ra những chính sách, biện pháp phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp xúc và kinh doanh trực tiếp; Thường xuyên cung cấp những thông tin về cơ hội kinh doanh, đầu tư, danh sách các hội chợ triển lãm quốc tế lớn, danh sách các công ty xuất nhập khẩu uy tín để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận, giao dịch trực tiếp.

Đại sứ Mahmoud Aboud hoàn toàn nhất trí với những ý kiến của Thứ trưởng Lê Dương Quang và cho biết Chính phủ Comoros cũng rất chú trọng phát triển quan hệ với các nước Châu Á trong đó có Việt Nam, đồng thời hi vọng việc hai nước ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo sẽ là tiền đề thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác song phương. Đại sứ Mahmoud Aboud cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp chế biến, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp, v.v… Đại sứ cho biết Chính phủ Comoros đang xem xét và dự kiến sẽ cử đoàn do Thứ trưởng Bộ Tài chính, Kinh tế, Ngân sách Đầu tư và Ngoại thương sang Việt Nam để sớm triển khai việc thực hiện MOU đã ký và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Tháng 7: Sức mua phục hồi, tồn kho giảm dần

Ngày 5/8/2013, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 7, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,0% so với tháng 7 năm 2012, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,2% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 11,6%. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đã được cải thiện. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tăng cường thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ nên hàng tồn kho đã và đang giảm mạnh. Chỉ số tồn kho nhiều ngành giảm nhiều so với năm trước gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 32,3%; may trang phục giảm 1,3%; sản xuất giầy, dép giảm 19,2%; sản xuất xi măng giảm 33,7%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 75,2%, v.v….

Một trong những vấn đề được báo giới quan tâm nhất đó là: "thời gian tới giá xăng dầu có được điều chỉnh giảm hay không?". Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, thời gian tới, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm và các yếu tố được quy định theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP cũng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng phải giảm giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp với quy định của Nghị định trên. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng một Nghị định khác thay thế cho Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và sẽ trình Chính phủ vào ngày 30/9 tới. Do đó, tất cả các diễn biến của thị trường xăng dầu cũng như việc điều hành giá xăng dầu từ nay đến thời điểm 30/9, vẫn phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 84.

Chính sách thương mại Rumani ưu tiên Việt Nam

Ngày 7/8/2013, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã có buổi tiếp và làm việc cùng ông Valerui Arteni, Đại sứ Rumani tại Việt Nam.

Đại sứ cho biết, Rumani đã quyết định thành lập Văn phòng đại diện thương mại và sẽ cử Tham tán phụ trách thương mại sang làm việc tại Việt Nam trong năm nay nhằm đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Điều này cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Rumani trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác đối với các đối tác truyền thống, trong đó có Việt Nam.

Đại sứ Valerui Arteni bày tỏ hy vọng khóa họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước lần thứ 15 dự kiến tổ chức tại Việt Nam cuối năm 2013 sẽ đề ra nhiều chương trình và đề án hợp tác mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác thương mại, góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Nhất trí với ý kiến của Đại sứ Valerui Arteni, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, hai bên cần trao đổi để có những mục tiêu, chương trình hợp tác cụ thể, cần tập trung vào những mặt hàng thế mạnh của hai nước, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động. Có như vậy, chắc chắn trong thời gian tới, kim ngạch trao đổi thương mại sẽ được gia tăng, từ đó góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam- Rumani.

Khai mạc Hội chợ Quốc tế hành lang kinh tế Đông Tây

Ngày 08/8/2013, Hội chợ Quốc tế Đầu tư, Thương mại và Du lịch hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2013 (Hội chợ EWEC - Đà Nẵng) đã khai mạc tại TP Đà Nẵng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Hội chợ là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 của Chính phủ. Hoạt động đa dạng, phong phú của hội chợ năm nay thể hiện tiềm năng giao thương, hợp tác giữa các doanh nghiệp trên tuyến EWEC là rất lớn.

Hội chợ thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham gia với 500 gian hàng. Trong đó có 70 doanh nghiệp nước ngoài; 235 doanh nghiệp Việt Nam tham dự. Hội chợ giới thiệu các sản phẩm du lịch, thương mại và đầu tư như: Các dự án kêu gọi đầu tư và bất động sản; điện, điện tử, công nghệ thông tin; thực phẩm chế biến và đóng hộp; đồ gỗ, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, làng nghề; dệt may, phụ kiện thời trang, giày da; dụng cụ và thiết bị trường học, văn phòng; dịch vụ du lịch; ẩm thực…Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước xích lại gần nhau hơn và tìm hiểu cơ hội đầu tư hợp tác cho cả 2 bên, góp phần tăng trưởng kinh tế tại các địa phương trên tuyến EWEC.

Đón dòng khí đầu tiên (First Gas kỹ thuật) từ Dự án Biển Đông 1

Vào lúc 14h45 ngày 05/8/2013, sau hơn 3 năm phát triển Dự án Biển Đông 1 với nhiều thử thách về kỹ thuật công nghệ, Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIEN DONG POC) đã chính thức đón dòng khí đầu tiên từ giàn đầu giếng Mộc Tinh 1 (MT1) qua hệ thống ống 20km về tới giàn xử lý Hải Thạch PQP. Tới 2h21 ngày 7/8/2013, dòng condensate được tách qua hệ thống xử lý đã được tàu FSO tiếp nhận an toàn. Sự kiện quan trọng này đã đánh dấu sự thành công của Dự án Biển Đông 1.

Dự án Biển Đông 1 phát triển khai thác hai mỏ khí condensat Hải Thạch và Mộc Tinh với thời gian khai thác dự kiến là 25 năm, công suất khai thác 25 ngàn thùng condensate và 8,5 triệu mét khối khí mỗi ngày đêm. Dự án do BIEN DONG POC điều hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Toàn bộ công tác quản lý thiết kế, gia công chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành đều do các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện, đạt kỷ lục về khối lượng, độ sâu nước biển và quy mô dự án. Việc hoàn thành mục tiêu có được dòng khí đầu tiên mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước, cũng như góp phần vào việc giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lưới điện miền Bắc đã được khôi phục

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) cho biết, đến 7h00 ngày 9/8/2013, công tác khắc phục sự cố lưới điện do bão số 6 gây ra đã cơ bản hoàn thành.

Hiện còn một số đơn vị đang tiếp tục xử lý các nơi mất điện. Trong đó: Công ty Điện lực (PC) Thái Nguyên do nước ngập, đơn vi thi công chưa tiếp cận được nên còn 1/18 lộ đường dây sự cố chưa đóng được điện và 12/805 TBA bị sự cố mất điện chưa được cấp điện (thuộc đường dây 371 E6.8 và các đường dây 0,4 kV xã Vân Hán – huyện Đồng Hỷ. PC Ninh Bình còn 1 lộ đường dây 10kV, 1 nhánh rẽ 35kV chưa đóng điện (Lộ 373 E23.3: sự cố ĐZ nhánh rẽ cấp điện cho 5 TBA phân phối thuộc KCN Gián Khẩu đang thay đầu cáp; Lộ 973 trung gian Cồn Thoi đang dựng lại vị trí đổ cột. PC Lạng Sơn còn 2 nhánh rẽ đường dây 35kV (đổ 2 cột và 2 cột nghiêng của nhánh rẽ đường dây Đình Lập- Cường Lợi và nhánh rẽ Na Sầm- Tân Lang) chưa khắc phục được, dự kiến sẽ đóng điện trong 1 đến 2 ngày tới.

Thống kê sơ bộ ban đầu, PC Hòa Bình thiệt hại khoảng 220 triệu đồng. PC Hải Phòng thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. PC Tuyên Quang thiệt hại trên 20 triệu dồng. Điện lực Nghệ An thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Các đơn vị khác đang tiếp tục thống kê.

Như vậy đến thời điểm này, hầu hết các sự cố trên đường dây trung thế ở 13 tỉnh miền Bắc đã được khôi phục và đóng điện trở lại vận hành sau bão số 6. Việc cấp điện cho các trạm bơm thủy lợi tại các địa phương được ngành Điện đảm bảo để các địa phương tiêu úng kịp thời cho diện tích đất nông nghiệp.

Theo moit.gov.vn