OSEC là cơ quan của Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sỹ có chức năng hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của Thụy Sỹ. Cơ quan này hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vào Thụy Sỹ thông qua Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO).
Chương trình SIPPO được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển hoặc các nền kinh tế chuyển đổi có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ và châu Âu thông qua việc cung cấp thông tin thương mại, tư vấn kỹ thuật, các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đối với các thị trường nhập khẩu châu Âu và các sản phẩm, các cơ hội đào tạo và giao thương thông qua việc tham gia các hội thảo, hội chợ, triển lãm thương mại châu Âu. SIPPO hoạt động ở 3 lĩnh vực chính là: Thực phẩm và du lịch, Hàng phi thực phẩm, Lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật. Việt Nam là một trong bốn nước đối tác của chương trình SIPPO tại châu Á, những ngành hàng của Việt Nam mà chương trình SIPPO hướng tới bao gồm: thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, hàng may mặc, máy móc, đồ điện tử và phần mềm.
Đoàn công tác đánh giá cao sự hợp tác của SIPPO trong thời gian qua trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội hợp tác giao thương với nhà nhập khẩu, phân phối Thụy Sỹ và châu Âu thông qua nhiều hội chợ, triển lãm và mong muốn SIPPO tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thụy Sỹ và châu Âu. Qua đó, đồng thời giúp Thụy Sỹ nhập khẩu được các sản phẩm có chất lượng cao và ổn định từ những nhà xuất khẩu Việt Nam. Nhân cơ hội này, Đoàn công tác cũng đã cung cấp một số tài liệu, sách, catalogue giới thiệu về các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực hàng hóa mà Thụy Sỹ hiện có nhu cầu nhập khẩu gồm: hàng dệt nội thất, hàng thủ công mĩ nghệ (đồ gỗ, gốm sứ, v.v...), phát triển phần mềm, v.v...
Trong trong buổi làm việc, OSEC đã giới thiệu về các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và xúc tiến đầu tư của Thụy Sỹ tới các nước trên thế giới, trong đó các nhóm hàng chủ yếu mà Thụy Sỹ xuất khẩu là thực phẩm và đồ uống, công nghệ thông tin, hóa chất và dược phẩm, các thiết bị máy chính xác, sản phẩm kỹ thuật tự động... OSEC cũng cho biết hiện Thụy Sỹ chủ yếu xuất khẩu dịch vụ sang Việt Nam, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đào tạo sau đại học, đào tạo nghề, v.v...
Về đầu tư, các lĩnh vực hiện nay Thụy Sỹ đang đầu tư vào Việt Nam là phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông/logistics; năng lượng; truyền thông; công nghệ (phần mềm), v.v... Xu hướng đầu tư trong tương lai của Thụy Sỹ tập trung vào lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý rác thải, v.v... Đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và quản lý tiên tiến.
Việt Nam rất hoan nghênh Thụy Sỹ xuất khẩu các loại hình dịch vụ có sử dụng hàm lượng chất xám với giá trị gia tăng cao sang Việt Nam từ đó hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ phát triển đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư Thụy Sỹ vào kinh doanh tại Việt Nam và hi vọng thông qua các dự án đầu tư này, Thụy Sỹ có thể chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý cho Việt Nam.
Những doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa vào Thụy Sỹ có thể liên hệ trực tiếp với các chuyên viên của Chương trình SIPPO theo địa chỉ sau:
1. Mr. Eve Bächtold
Programme Manager Non-food
Tel: + 41 44 365 52 74
Mobile: + 41 79 877 25 43
Email: eve.baechtold@switzerland-ge.com.
2. Ms. Christian Bernet
Programme Manager Technical Products
Tel: + 41 44 365 53 65
Mobile: + 41 79 621 82
Email: christian.bernet@switzerland-ge.com.
Theo: Vụ Thị trường châu Âu