Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.
|
Chiều 30/7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7. Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về phương án điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay chúng ta đang có một loạt giá tiến dần đến cơ chế thị trường; trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là nhất quán điều hành giá thành theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay đầu vào của giá điện là than. Tuy nhiên, giá than bán cho ngành điện hiện thấp hơn so với bán ra ngoài xã hội và các ngành khác nên xảy ra tình trạng thu lượm than bán cho nước ngoài.
Nhưng hệ lụy thứ 2 quan trọng hơn là, nếu giá điện của Việt Nam thấp thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy sẽ dẫn đến việc chúng ta có nền sản xuất lạc hậu. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào ngành điện nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội nhưng nếu giá điện quá thấp, đầu tư không có lãi thì sẽ không thu hút được đầu tư.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, việc điều chỉnh giá điện hiện nay có hai vấn đề. Thứ nhất, người dân Việt Nam có thu nhập thấp và nếu cái gì cũng tính theo giá quốc tế thì sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta không có sự lựa chọn. Tới đây, thay vì hỗ trợ chung cho ngành điện thì sẽ hỗ trợ cho người dân. Ví dụ, mỗi hộ dân, nhất là người nghèo sẽ được bao cấp một số điện nhất định. Vì vậy, Chính phủ khẳng định sau này khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo.
Điểm thứ hai, nếu tăng ngay giá điện đầu vào thì sẽ dẫn đến sức cạnh tranh hao hụt. Đây là cái giá phải trả. Chính vì 2 lý do trên cho nên nhiều năm nay chúng ta không thể điều chỉnh giá điện ngay 1 lúc mà phải theo lộ trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, nếu điều chỉnh giá điện hay loại giá nào đó như giá dịch vụ y tế thì điều hành phải khéo léo theo yếu tố tâm lý của thị trường. Vì vậy, Chính phủ cân nhắc và đề ra lộ trình điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời khẳng định, các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nếu được tuyên truyền giải thích đến nơi đến chốn thì sẽ có được sự đồng tình của nhân dân.
"Phương án và lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ bàn từ nhiều năm nay. Còn lộ trình tăng cụ thể như thế nào sẽ phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Đặc biệt, rút kinh nghiệm những lần tăng giá trước, Chính phủ đã cầu EVN phải có kế hoạch tuyên truyền giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết.
Sẽ chọn những lĩnh vực "nóng" để kiểm soát khâu ban hành văn bản
Liên quan đến việc thời gian gần đây một loạt các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành vừa mới ban hành đã bị sai hoặc bị người dân phản ứng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có một số điều không khả thi, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Mặc dù, tổng số văn bản bị phản ứng ít nhưng cũng gây bức xúc cho nhân dân. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp và các bộ, ngành xem xét thí điểm để có cơ chế kiểm soát văn bản hành chính mà từ trước đến nay giao toàn quyền cho Bộ trưởng các bộ chuyên ngành.
Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ thí điểm đưa ra cơ chế thẩm định các văn bản của các bộ trước khi ban hành để tránh tình trạng bất cập, không khả thi như thời gian qua. Tuy nhiên, khi thẩm định có hai điều cần chú ý: Thứ nhất, việc làm này phải tuân theo trình tự ban hành quy định văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, không làm nhẹ vai trò của Bộ trưởng các bộ chuyên ngành.
Ví dụ, trường hợp Bộ Thông tin Truyền thông. Trước đây, thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo soạn Thông tư. Bây giờ, thí điểm việc kiểm soát văn bản hành chính thì Bộ Tư pháp sẽ thẩm định trước khi Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông ban hành.
“Bộ Tư pháp sẽ không thể làm hết tất cả mà sẽ chọn lĩnh vực “nóng” làm thí điểm trước, từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm để không xảy ra sơ suất chứ không làm thay đổi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ sẽ bàn và thông qua Nghị quyết về việc này”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.
Theo Vnmedia